Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúa có đòi hỏi chúng ta xưng tội?

Chúa có đòi hỏi chúng ta xưng tội?

Chúa có đòi hỏi chúng ta xưng tội?

Việc người ta xưng tội với linh mục hoặc mục sư vẫn còn là một phần trong nghi lễ thờ phượng của nhiều giáo hội. Tuy nhiên, trong xã hội tự do và dễ dãi hiện nay, việc xưng tội có ý nghĩa hoặc ngay cả cần thiết không?

Có hai quan điểm đối lập về vấn đề này. Chẳng hạn, tờ báo National Post của Canada có đăng về một người thừa nhận rằng tuy rất khó nói với người khác là mình đã làm điều gì sai, nhưng cũng bộc bạch: “Thật khuây khỏa khi có người biết điều đó, cầu nguyện cho bạn và cho biết bạn cần làm gì”. Ngược lại, cuốn sách nhan đề Lạy cha, xin cha làm phép cho con, vì con là kẻ có tội (Bless Me, Father, for I Have Sinned) trích lời một người cho rằng: “Xưng tội là nghi thức gây tai hại nhất của giáo hội. Nó khiến người ta bị ám ảnh và lo sợ vì tội lỗi”. Vậy, Kinh Thánh nói gì về vấn đề này?

Kinh Thánh dạy gì?

Trong Luật pháp Đức Chúa Trời (Thiên Chúa) ban cho dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta thấy có những hướng dẫn cụ thể về việc một người cần phải làm gì khi phạm tội. Ví dụ, khi mắc lỗi với người khác hay phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, người đó phải xưng tội với thầy tế lễ thuộc chi phái Lê-vi. Sau đó, thầy tế lễ sẽ làm lễ chuộc tội bằng cách dâng một lễ vật để xin Đức Chúa Trời thứ lỗi cho người ấy.—Lê-vi Ký 5:1-6.

Vài thế kỷ sau, khi nhà tiên tri Na-than quở trách vua Đa-vít về tội của ông, Đa-vít phản ứng thế nào? Ông lập tức thú nhận: “Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va” (2 Sa-mu-ên 12:13). Ông cũng cầu nguyện, xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời thương xót. Kết quả ra sao? Sau này, Đa-vít viết: “Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian-ác tôi; tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi-phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va; còn Chúa tha tội-ác của tôi”.—Thi-thiên 32:5; 51:1-4.

Vào thế kỷ thứ nhất công nguyên, việc xưng tội vẫn là một đòi hỏi của Đức Chúa Trời đối với hội thánh tín đồ Đấng Christ (Ki-tô). Ông Gia-cơ, em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su và là một trong những người dẫn đầu hội thánh tại Giê-ru-sa-lem, đã thúc giục anh em đồng đạo: “Hãy xưng tội cùng nhau, và cầu-nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh” (Gia-cơ 5:16). Vậy, tín đồ Đấng Christ phải xưng các tội nào và với ai?

Nên xưng tội nào?

Vì bất toàn nên hằng ngày chúng ta phạm lỗi với người khác qua hành động thiếu suy xét, hay qua lời nói vô ý (Rô-ma 3:23). Phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta cần xưng tất cả lỗi lầm ấy với một người có thẩm quyền?

Trước mắt Đức Chúa Trời, tất cả tội lỗi đều xấu xa, nhưng Ngài tỏ lòng thương xót vì biết rằng chúng ta là người bất toàn. Thật thế, người viết Thi-thiên thừa nhận: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố-chấp sự gian-ác, thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống? Nhưng Chúa có lòng tha-thứ cho, để người ta kính-sợ Chúa” (Thi-thiên 130:3, 4). Vậy, chúng ta nên làm gì khi phạm lỗi với người khác, có lẽ do vô ý? Hãy nhớ trong lời cầu nguyện mẫu, Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu xin: “Xin tha tội chúng tôi, vì chúng tôi cũng tha kẻ mích lòng mình” (Lu-ca 11:4). Thật vậy, Đức Chúa Trời sẵn lòng tha tội nếu chúng ta cầu xin Ngài nhân danh Chúa Giê-su.—Giăng 14:13, 14.

Hãy lưu ý Chúa Giê-su nói chúng ta cũng phải tha thứ cho “kẻ mích lòng mình”. Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở anh em đồng đạo: “Hãy ở với nhau cách nhân-từ, đầy-dẫy lòng thương-xót, tha-thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha-thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32). Khi tha thứ cho người khác, chúng ta có lý do để mong đợi Đức Chúa Trời tha tội cho mình.

Thế thì nói sao về những tội trọng như trộm cướp, cố tình nói dối, vô luân, say sưa, v.v.? Những ai phạm các tội đó là vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời và nghịch lại Ngài. Họ nên làm gì?

Phải xưng tội với ai?

Đức Chúa Trời không ban cho con người quyền tha thứ những tội nghịch cùng Ngài, chỉ mình Ngài mới có quyền đó. Kinh Thánh nói rõ với chúng ta: “Nếu chúng ta xưng tội mình, thì [Đức Chúa Trời] là thành-tín công-bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian-ác” (1 Giăng 1:9). Tuy nhiên, chúng ta phải xưng tội trọng với ai?

Vì chỉ Đức Chúa Trời mới có quyền tha tội nên chúng ta phải xưng tội với Ngài. Đó chính là điều Đa-vít đã làm, như được nói đến ở trên. Chúng ta được tha tội dựa trên cơ sở nào? Kinh Thánh cho biết: “Các ngươi hãy ăn-năn và trở lại, đặng cho tội-lỗi mình được xóa đi, hầu cho kỳ thơ-thái đến từ Chúa” (Công-vụ 3:19, 20). Đúng vậy, sự tha tội không chỉ tùy thuộc vào việc một người nhìn nhận hành vi sai trái và thú tội, mà còn phụ thuộc vào việc người đó cố gắng từ bỏ con đường tội lỗi. Đây là bước khó thực hiện, nhưng có sự giúp đỡ cho những ai muốn làm thế.

Hãy nhớ lại lời của môn đồ Gia-cơ mà chúng ta đã xem ở trên: “Hãy xưng tội cùng nhau, và cầu-nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh”. Ông còn nói thêm: “Người công-bình lấy lòng sốt-sắng cầu-nguyện, thật có linh-nghiệm nhiều” (Gia-cơ 5:16). “Người công-bình” có thể là “trưởng-lão Hội-thánh” mà ông đề cập trong câu 14. Trong hội thánh, có “các trưởng-lão” được bổ nhiệm để giúp những ai muốn được Đức Chúa Trời tha tội. Chắc chắn, “các trưởng-lão” ấy không thể tha hoặc xóa tội, vì không người nào được ủy quyền để tha thứ người đồng loại những tội nghịch lại Đức Chúa Trời *. Tuy nhiên, họ là những người hội đủ điều kiện ghi trong Kinh Thánh để khiển trách và sửa đổi một người phạm tội nặng, giúp người đó nhận thức mức độ nghiêm trọng của tội ấy và việc cần phải ăn năn.—Ga-la-ti 6:1.

Tại sao một người nên xưng tội?

Dù là tội nặng hay nhẹ, người phạm tội đã gây tổn hại đến mối quan hệ với người đồng loại và với Đức Chúa Trời. Hậu quả là người đó cảm thấy ray rứt hoặc bị bệnh về tâm linh. Cảm giác này là do lương tâm mà Đấng Tạo Hóa phú cho chúng ta (Rô-ma 2:14, 15). Chúng ta có thể làm gì?

Trở lại sách Gia-cơ, chúng ta tìm thấy những lời đầy khích lệ sau: “Trong anh em có ai đau-ốm [về tâm linh] chăng? Hãy mời các trưởng-lão Hội-thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng-lão hãy cầu-nguyện cho người. Sự cầu-nguyện bởi đức-tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha”.—Gia-cơ 5:14, 15.

Trong những câu này, một lần nữa các trưởng lão được mời đến để chăm sóc cho chiên. Như thế nào? Họ làm nhiều hơn là chỉ nghe anh em xưng tội. Vì vấn đề có liên quan đến bệnh về tâm linh nên họ cần hành động hầu “cứu kẻ bịnh”. Ông Gia-cơ đề cập đến hai điều mà họ có thể làm.

Đầu tiên, ông nói đến việc “xức dầu”. Điều này ám chỉ khả năng chữa lành của Lời Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô cho biết “lời của Đức Chúa Trời là lời sống và đầy năng lực... xét đoán các tư tưởng, và ý định trong lòng người”, tức thấm sâu vào tâm trí một người (Hê-bơ-rơ 4:12, Bản Dịch Mới). Qua việc khéo dùng Kinh Thánh, các trưởng lão sẽ giúp những ai bị bệnh về tâm linh nhận ra nguyên nhân của vấn đề, thực hiện những bước thích hợp hầu sửa sai và hàn gắn lại mối quan hệ với Đức Chúa Trời.

Kế tiếp, ông nói đến “sự cầu-nguyện bởi đức-tin”. Dù lời cầu nguyện của các trưởng lão không làm Đức Chúa Trời thay đổi việc thực thi công lý, nhưng những lời cầu nguyện đó có giá trị đối với Ngài, là Đấng mong muốn tha tội qua giá chuộc của Chúa Giê-su (1 Giăng 2:2). Đức Chúa Trời sẵn lòng giúp những người phạm tội thành thật ăn năn và làm các “công-việc xứng-đáng với sự ăn-năn”.—Công-vụ 26:20.

Lý do quan trọng nhất chúng ta xưng tội, dù tội phạm đến loài người hay Đức Chúa Trời, là để được Ngài chấp nhận lại. Chúa Giê-su nói rằng muốn thờ phượng Đức Chúa Trời với lương tâm tốt, thì trước hết chúng ta phải giải quyết mối bất hòa với anh em (Ma-thi-ơ 5:23, 24). Nơi Châm-ngôn 28:13 nói: “Người nào giấu tội-lỗi mình sẽ không được may-mắn; nhưng ai xưng nó ra và lìa-bỏ nó sẽ được thương-xót”. Khi chúng ta hạ mình xuống và nài xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời tha thứ, Ngài sẽ ban ân huệ và đến thời điểm thích hợp Ngài sẽ nâng chúng ta lên.—1 Phi-e-rơ 5:6.

[Chú thích]

^ đ. 16 Một số người xem lời của Chúa Giê-su nơi Giăng 20:22, 23 là bằng chứng cho việc con người có quyền tha tội. Muốn biết thêm về đề tài này, xin xem Tháp Canh ngày 15-4-1996, trang 28, 29.

[Câu nổi bật nơi trang 23]

Đức Chúa Trời bỏ qua lỗi lầm và sẵn lòng tha tội nếu chúng ta cầu xin Ngài nhân danh Chúa Giê-su

[Hình nơi trang 24]

Lý do quan trọng nhất chúng ta xưng tội là để được Đức Chúa Trời chấp nhận lại