Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời là ‘Đấng làm công-việc lớn-lao’—Làm sao tôi biết?

Đức Chúa Trời là ‘Đấng làm công-việc lớn-lao’—Làm sao tôi biết?

Đức Chúa Trời là ‘Đấng làm công-việc lớn-lao’​—Làm sao tôi biết?

Do Maurice Raj kể lại

Gia đình tôi, cùng với hàng ngàn người nhập cư khác, đã chạy khỏi một trong những cuộc tấn công ác liệt nhất của Thế Chiến II. Nhiều ngày chúng tôi băng qua rừng rậm của Miến Điện, ban đêm thì ngủ dưới cây. Lúc ấy tôi được chín tuổi. Cái bao nhỏ tôi đeo sau lưng chứa tất cả đồ đạc mà tôi có. Nhưng đó chỉ mới là bắt đầu.

Đó là năm 1942. Chiến tranh đang diễn ra trên thế giới, và chúng tôi chạy trốn khỏi quân đội Nhật Bản đang tiến đến. Miến Điện, nay gọi là Myanmar, vừa mới bị chiếm, và những mỏ dầu của thành phố Yenangyaung đã rơi vào tay họ. Trước khi chúng tôi đến biên giới Ấn Độ, quân Nhật Bản đã bắt được chúng tôi và buộc chúng tôi phải quay về.

Khi tôi còn nhỏ, chúng tôi sống ở Yenangyaung, nơi cha tôi làm việc cho công ty sản xuất dầu Miến Điện. Sau khi quân Nhật Bản chiếm đóng, những mỏ dầu dồi dào của Yenangyaung đã trở thành mục tiêu dội bom liên tục của máy bay Anh. Một lần, gia đình chúng tôi trú trong một hầm suốt ba ngày khi bom nổ xung quanh chúng tôi. Cuối cùng, chúng tôi lên thuyền chạy đến Sale, một thị trấn nhỏ trên sông Ayeyarwady, hoặc còn gọi là Irrawaddy. Chúng tôi vui mừng vẫn còn sống và ở đó cho đến hết chiến tranh.

Thảm họa dẫn đến chân lý

Em trai tôi sanh ra vào năm 1945, năm mà Thế Chiến II kết thúc. Cha tôi rất vui khi có con vào tuổi xế chiều. Nhưng niềm vui của ông không được bao lâu. Ba tháng sau, em trai tôi chết. Không lâu sau đó, cha tôi qua đời vì đau buồn.

Bạn bè tôi an ủi tôi rằng Đức Chúa Trời đã mang cha và em tôi lên thiên đàng với Ngài. Tôi mong muốn được ở với họ biết bao! Gia đình tôi tham dự nhà thờ Công giáo, nơi tôi bắt đầu học giáo lý. Tôi được dạy rằng linh mục và nữ tu được lên thẳng thiên đàng, trong khi những người khác phải ở nơi luyện tội một thời gian, là nơi họ chịu khổ nạn tạm thời để được tẩy sạch tội lỗi. Mong muốn được đoàn tụ với cha và em, tôi quyết định theo học trường dòng Công giáo ở Maymyo, nay gọi là Pyin Oo Lwin, cách nơi chúng tôi sống 210km.

Vào trường dòng đòi hỏi phải học qua trường lớp phổ thông. Là người nhập cư, tôi chỉ đi học trong hai năm. Sau đó, tất cả các trường đều đóng cửa vì chiến tranh. Nhưng khi trường học mở cửa lại, gia đình chúng tôi rơi vào cảnh kinh tế khó khăn. Mẹ tôi phải chăm sóc không chỉ hai anh trai và tôi mà còn ba đứa con của người chị quá cố. Bà không đủ khả năng cho chúng tôi đi học.

Anh tôi đi làm, nhưng lúc ấy tôi chỉ mới 13 tuổi và không làm được gì nhiều. Chú tôi là Manuel Nathan sống ở Chauk, một thị trấn gần Sale. Tôi nghĩ: “Nếu tôi đi khỏi nhà sẽ bớt một miệng ăn”. Thế nên, tôi đến sống với chú ở Chauk.

Tôi không biết chú tôi đã gặp Nhân Chứng Giê-hô-va và sốt sắng chia sẻ sự hiểu biết mới về Kinh Thánh. Chú nói về Kinh Thánh với tôi mỗi lần một chút, bắt đầu bằng việc giải thích ý nghĩa của Kinh Lạy Cha. Bài cầu nguyện này bắt đầu như sau: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng”.—Ma-thi-ơ 6:9, 10, Trịnh Văn Căn.

Chú tôi nói: “Vậy Thiên Chúa có một danh, và danh ấy là Giê-hô-va”. Rồi chú cho tôi xem danh của Ngài trong Kinh Thánh. Tôi muốn học biết thêm. Nhưng tôi đọc rất chậm, thậm chí trong tiếng mẹ đẻ là Tamil. Hơn nữa, Kinh Thánh và những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh mà chú tôi có là bằng tiếng Anh, ngôn ngữ tôi không biết nhiều. Tuy nhiên, tôi dần dần hiểu được các dạy dỗ trong Kinh Thánh dù không được đi học nhiều (Ma-thi-ơ 11:25, 26). Tôi được sáng mắt khi thấy nhiều giáo lý mình được dạy trước đây không dựa trên Kinh Thánh. Cuối cùng, tôi thốt lên: “Chú à, đây quả là chân lý!”.

Khi được 16 tuổi, tôi bắt đầu chia sẻ điều tôi học với người khác. Lúc đó, chỉ có 77 Nhân Chứng Giê-hô-va ở Myanmar. Không lâu sau, Robert Kirk, một giáo sĩ đến từ thủ đô Rangoon, nay gọi là Yangon, đến thăm chú tôi ở Chauk. Tôi nói với anh Robert là tôi đã dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va. Vì thế, vào ngày 24-12-1949, tôi báp-têm ở sông Ayeyarwady, biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời.

Vượt qua khó khăn

Sau đó không lâu, tôi chuyển đến Mandalay để tìm công việc thích hợp với mục tiêu là làm tiên phong, tên gọi người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va. Một ngày nọ, khi đang xem một trận đá banh, tôi té xuống và bị co giật. Tôi đã mắc bệnh động kinh và phải trở về nhà để gia đình có thể chăm sóc tôi.

Cơn co giật cứ xảy ra trong tám năm. Khi sức khỏe tốt hơn, tôi có thể đi làm lại. Dù mẹ khuyên tôi không nên theo đuổi việc truyền giáo trọn thời gian vì hoàn cảnh của mình, nhưng một ngày nọ tôi đã nói với mẹ: “Con không đợi thêm được nữa, con muốn làm tiên phong. Đức Giê-hô-va sẽ lo cho con!”.

Năm 1957, tôi chuyển đến Yangon và bắt đầu làm tiên phong. Ngạc nhiên thay, những cơn co giật không trở lại cho đến 50 năm sau, năm 2007. Hiện nay, tôi đang dùng thuốc để kiểm soát tình trạng này. Năm 1958, tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt, dành ra 150 giờ mỗi tháng cho công việc rao giảng.

Nhiệm sở đầu tiên của tôi là Kyonsha, một làng cách Yangon 110km về phía tây bắc. Một nhóm nhỏ người ở đó đã đọc các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh của chúng tôi và muốn biết thêm. Khi anh Robert và tôi đến, một đám đông người đã tụ tập lại. Chúng tôi trả lời nhiều câu hỏi về Kinh Thánh, và chỉ họ cách điều khiển các buổi nhóm họp. Một vài người trong số họ không lâu sau cùng chúng tôi tham gia công việc rao giảng. Tôi được đề nghị ở lại làng đó. Trong vòng vài tháng, nhóm nhỏ ấy đã trở thành hội thánh mạnh mẽ. Hiện nay, có hơn 150 Nhân Chứng ở khu vực ấy.

Sau đó, tôi được bổ nhiệm làm giám thị lưu động, đến thăm các hội thánh và những nhóm ở vùng xa xôi của Myanmar. Tôi đã đi không biết bao nhiêu cây số qua những con đường bụi bặm, ngồi trên mui xe tải vì không đủ chỗ, băng rừng, vượt nhiều rặng núi và chèo thuyền trên sông. Dù thể chất không tốt, nhưng tôi cảm nhận Đức Giê-hô-va cho tôi sức lực để tiếp tục công việc.—Phi-líp 4:13.

“Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh”

Năm 1962, tôi được chuyển đến chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Yangon, nơi anh Robert huấn luyện tôi. Không lâu sau, chính quyền ra lệnh các giáo sĩ người nước ngoài phải rời khỏi Myanmar và trong một vài tuần, không còn ai nữa. Tôi rất bất ngờ vì mình phải chăm sóc chi nhánh.

Tôi tự hỏi: “Làm sao tôi có thể làm được? Tôi không có học vấn và thiếu kinh nghiệm”. Biết tôi lo lắng, nhiều anh lớn tuổi nói với tôi: “Anh Maurice đừng lo, Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh. Và tất cả chúng tôi sẽ ở bên cạnh anh”. Những lời đó làm tôi ấm lòng biết bao! Vài tháng sau, tôi phải soạn báo cáo hằng năm về công việc rao giảng ở Myanmar cho Niên giám 1967 của Nhân Chứng Giê-hô-va (Anh ngữ). Tôi đã làm việc này trong 38 năm qua. Qua thời gian, những sự kiện cho tôi thấy rõ rằng Đức Giê-hô-va thật sự đang hướng dẫn hoạt động của chúng tôi.

Chẳng hạn, trước đó, khi tôi nộp đơn nhập quốc tịch Myanmar, tôi thiếu 450 kyat * để trả cho chứng minh thư nên tôi quyết định chờ. Rồi một ngày, khi đi qua văn phòng của công ty mà tôi đã làm việc nhiều năm trước, ông chủ thấy tôi và kêu lên: “Này, Raj, hãy đến đây lấy tiền. Anh quên lấy tiền hưu khi anh nghỉ việc”. Số tiền đó là 450 kyat.

Khi rời văn phòng, tôi nghĩ về những điều mình có thể làm với 450 kyat. Nhưng vì nó đúng số tiền tôi cần để lấy chứng minh thư, tôi cảm thấy Đức Giê-hô-va muốn tôi dùng cho việc ấy. Và lựa chọn đó quả là tốt nhất. Khi là công dân, tôi có thể ở lại nước, đi lại tự do, nhập khẩu sách báo và thực hiện những trách nhiệm quan trọng trong công việc rao giảng ở Myanmar.

Hội nghị ở miền bắc

Năm 1969, công việc của chúng tôi phát triển nhanh chóng ở thị trấn Myitkyina, miền bắc Myanmar, vì thế chúng tôi quyết định tổ chức một hội nghị tại đây. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất là phương tiện đi lại cho các Nhân Chứng miền nam đến tham dự. Chúng tôi cầu nguyện và xin cơ quan Đường sắt Myanmar cho đặt chỗ sáu toa xe lửa. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi đơn chúng tôi được chấp thuận.

Cuối cùng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho hội nghị. Vào ngày các đại biểu từ miền bắc đến, chúng tôi đến ga vào buổi trưa, chờ xe lửa đến lúc 2:30 chiều. Trong khi chúng tôi đang đợi, người trưởng ga đến đưa cho chúng tôi một điện tín nói rằng: “Chúng tôi đã bỏ lại sáu toa xe của Nhân Chứng Giê-hô-va”. Ông nói xe lửa không thể kéo lên đồi các toa xe được nối thêm ấy.

Chúng tôi phải làm gì? Việc đầu tiên chúng tôi nghĩ là dời hội nghị lại. Nhưng điều này có nghĩa phải nộp đơn xin phép khác, mất đến nhiều tuần! Ngay khi chúng tôi tha thiết cầu nguyện Đức Giê-hô-va, xe lửa đến. Chúng tôi không thể tin vào mắt mình: Sáu toa xe toàn là Nhân Chứng! Họ cười nói và vẫy tay chào. Khi chúng tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra, một Nhân Chứng giải thích: “Đúng là họ bỏ lại sáu toa xe, nhưng không phải sáu toa xe của chúng ta!”.

Giữa năm 1967 và 1971, số Nhân Chứng ở Myanmar tăng gấp đôi, gần 600 người. Năm 1978, chi nhánh dời đến một căn nhà hai tầng. Hai mươi năm sau, số Nhân Chứng gia tăng đến hơn 2.500 người. Chi nhánh được mở rộng hơn, và vào ngày 22-1-2000, anh John E. Barr, thành viên của Hội đồng lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va, đến từ Hoa Kỳ và nói bài giảng dâng hiến văn phòng ba tầng và tòa nhà dùng để ở, vẫn đang được sử dụng đến nay.

Nhìn lại những ân phước

Hiện nay, có 52 người tình nguyện sống và làm việc ở chi nhánh Yangon, và khoảng 3.500 Nhân Chứng đang phục vụ ở 74 hội thánh và các nhóm trong nước. Tôi rất vui mừng vì vào năm 1969, trước khi qua đời không lâu, người mẹ thân yêu của tôi cũng trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Doris Ba Aye là một chị tiên phong đã làm việc trong ban dịch vào giữa thập niên 1960. Trước đó, vào năm 1959, chị ấy đã tham dự khóa thứ 32 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh, là trường huấn luyện các giáo sĩ của Nhân Chứng Giê-hô-va. Nét đẹp tự nhiên, tính tình vui vẻ và sự sâu sắc về thiêng liêng của chị đã thu hút tôi. Chúng tôi kết hôn vào năm 1970. Đến nay, chúng tôi vẫn trung thành với Đức Giê-hô-va và chung thủy với nhau.

Trong hơn 60 năm, tôi đã thấy bàn tay Đức Chúa Trời trong việc hoàn thành công việc rao giảng ở xứ này. Thật vậy, Ngài rất đáng để chúng ta tôn vinh biết bao! Trong cuộc đời, tôi đã chứng kiến Ngài là ‘Đấng làm công-việc lớn-lao’.—Thi-thiên 106:21.

[Chú thích]

^ đ. 23 Thời đó, tương đương khoảng 95 đô la Mỹ, một số tiền lớn.

[Hình nơi trang 27]

Trong thánh chức ở Rangoon, Miến Điện, khoảng năm 1957

[Hình nơi trang 28]

Đi tham dự hội nghị ở Kaleymo, Miến Điện, cuối thập niên 1970

[Hình nơi trang 29]

Chi nhánh mới của chúng tôi, được dâng hiến vào năm 2000

[Hình nơi trang 29]

Với Doris ngày nay

[Hình nơi trang 29]

Cùng tham gia thánh chức từng nhà