Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cõi vô hình—Có thể thấy chăng?

Cõi vô hình—Có thể thấy chăng?

Cõi vô hình​—Có thể thấy chăng?

Hãy nhìn lên bầu trời, dù nhìn bao lâu bạn cũng không thấy vị thần nào. Hãy lắng nghe, bạn cũng chẳng nghe thấy tiếng của họ. Tuy nhiên, các thần linh là có thật. Họ là những tạo vật có lý trí và đầy quyền năng, có tên gọi và cá tính. Họ đều để ý đến con người. Một số thần linh giúp chúng ta, nhưng một số khác muốn hại chúng ta.

Thượng Đế hoặc Đức Chúa Trời là một thần linh (Giăng 4:24). Ngài có danh độc nhất vô nhị, giúp phân biệt Ngài với nhiều thần giả. Danh Ngài là Giê-hô-va (Thi-thiên 83:18). Trong Kinh Thánh, người viết sách Thi-thiên cho biết: “Đức Giê-hô-va rất lớn, đáng được ngợi-khen lắm lắm; Ngài đáng kính-sợ hơn hết các thần. Vì những thần của các dân đều là hình-tượng; còn Đức Giê-hô-va đã dựng-nên các từng trời. Sự tôn-vinh và sự oai-nghi ở trước mặt Ngài. Sự năng-lực và sự hoa-mỹ ở nơi thánh Ngài”.—Thi-thiên 96:4-6.

Có thể thấy Đức Chúa Trời không?

Kinh Thánh cho biết: “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời” (Giăng 1:18). Diện mạo và sự uy nghi của Ngài vượt quá nhận thức của chúng ta, giống như người bị mù bẩm sinh thì không có khái niệm về màu sắc. Tuy nhiên qua Kinh Thánh, Đức Chúa Trời dùng những điều chúng ta có thể thấy để miêu tả những điều chúng ta không thể thấy, như một giáo viên giỏi giải thích điều phức tạp bằng từ ngữ mà học sinh dễ hiểu. Đức Chúa Trời ban cho những người trung thành thời xưa sự hiện thấy, tức cảnh tượng hiện ra cách phi thường trong trí, qua đó Ngài giúp chúng ta hình dung cảnh trên trời và hiểu được mối liên hệ giữa chúng ta với thần linh.

Chẳng hạn, trong sự hiện thấy của nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên, sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va được liên kết với lửa, ánh sáng, ngọc bích và cầu vồng. Trong sự hiện thấy khác, sứ đồ Giăng thấy Đức Giê-hô-va ngự trên ngôi, Ngài “rực-rỡ như bích-ngọc và mã-não; có cái mống [cầu vồng] dáng như lục-bửu-thạch bao chung-quanh ngôi”. Những lời miêu tả ấy cho chúng ta biết sự hiện diện của Đức Giê-hô-va mang vẻ đẹp rực rỡ có một không hai, huy hoàng và thanh bình.—Khải-huyền 4:2, 3; Ê-xê-chi-ên 1:26-28.

Nhà tiên tri Đa-ni-ên cũng được ban cho sự hiện thấy về Đức Giê-hô-va. Ông thấy “muôn muôn [thần linh] đứng trước mặt Ngài” (Đa-ni-ên 7:10). Chỉ cần thấy một thần linh hoặc thiên sứ dù trong sự hiện thấy cũng khiến một người kinh sợ, vậy hãy tưởng tượng việc được thấy muôn vàn thiên sứ! Quả là cảnh tượng đáng kinh ngạc!

Kinh Thánh nhắc đến thiên sứ gần 400 lần, và cho biết trong hàng ngũ thiên sứ có sê-ra-phim, chê-ru-bim. Theo tiếng Hy Lạp và Hê-bơ-rơ, từ được dịch là “thiên sứ” có nghĩa là “sứ giả”. Vì thế các thiên sứ có thể liên lạc với nhau, và trong quá khứ họ đã từng liên lạc với con người. Thiên sứ không phải là những người từng sống trên đất, được lên trời sau khi chết. Đức Giê-hô-va tạo ra những thần linh này rất lâu trước khi tạo ra con người.—Gióp 38:4-7.

Trong sự hiện thấy của Đa-ni-ên, vô số thiên sứ đang nhóm lại để chứng kiến một sự kiện trọng đại. Đa-ni-ên thấy “một người giống như con người” tiến đến ngôi của Đức Giê-hô-va để nhận “quyền-thế, vinh-hiển, và nước; hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu-việc người” (Đa-ni-ên 7:13, 14). Trong các thần linh, “con người” có địa vị quan trọng. Ngài là Chúa Giê-su đã sống lại, trở về trời và được ban cho quyền cai trị cả trái đất. Không lâu nữa, Nước của ngài sẽ thay thế hệ thống chính trị loài người và chấm dứt bệnh tật, đau khổ, áp bức, nghèo đói và ngay cả sự chết.—Đa-ni-ên 2:44.

Chắc chắn các thiên sứ vui mừng khi chứng kiến Chúa Giê-su lên ngôi, vì họ muốn những điều tốt nhất cho nhân loại. Tuy nhiên, đáng buồn là không phải mọi thiên sứ đều cảm thấy như thế.

Kẻ thù của Đức Chúa Trời và con người

Ngay từ ban đầu lịch sử nhân loại, một thiên sứ đã ham muốn được thờ phượng. Ước muốn đó đã khiến hắn phản Đức Giê-hô-va và tự biến mình thành Sa-tan, có nghĩa là “Kẻ chống đối”. Là hiện thân của sự gian ác, Sa-tan quyết liệt chống lại Đức Chúa Trời, Đấng là hiện thân của tình yêu thương. Nhiều thiên sứ khác theo phe Sa-tan, Kinh Thánh gọi chúng là quỉ hay ác thần. Giống như Sa-tan, các quỉ trở thành kẻ thù độc ác của nhân loại. Dưới ảnh hưởng của chúng, con người phải chịu đau khổ, bất công, bệnh tật, nghèo đói và chiến tranh.

Ngày nay, phần lớn các đạo thuộc Ki-tô giáo không còn nói nhiều về Sa-tan như trước đây, nhưng sách Gióp trong Kinh Thánh cho chúng ta thấy rõ bản chất và động cơ của thiên sứ phản loạn này. Sách Gióp tường thuật: “Một ngày kia các con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va, và Sa-tan cũng đến trong vòng chúng”. Sau đó, trong cuộc đối thoại, Sa-tan xấc xược vu cáo Gióp phụng sự Đức Chúa Trời chỉ vì được Ngài ban phước. Để chứng minh lý lẽ đó, Sa-tan giáng các tai vạ cho ông. Hắn giết chết súc vật và mười người con của Gióp, rồi khiến khắp cơ thể ông bị ung nhọt, gây đau đớn. Tuy nhiên, tất cả những đòn Sa-tan tấn công đều không chứng minh được lý lẽ của hắn.—Gióp 1:6-19; 2:7.

Sa-tan đã hoành hành bấy lâu nay. Chắc chắn Đức Chúa Trời có lý do chính đáng để cho phép hắn làm thế, nhưng không phải là mãi mãi. Sa-tan sẽ sớm bị tiêu diệt. Đức Giê-hô-va đã cho thực hiện bước đầu như được miêu tả trong sách cuối của Kinh Thánh. Nhờ sách này tiết lộ nên chúng ta mới biết trong cõi vô hình xảy ra sự kiện quan trọng đó. “Có một cuộc chiến-đấu trên trời: Mi-chen [Chúa Giê-su đã được sống lại] và các [thiên sứ] người tranh-chiến cùng con rồng [Sa-tan], rồng cũng cùng các sứ mình tranh-chiến lại; song chúng nó không thắng, và chẳng còn thấy nơi chúng nó ở trên trời nữa. Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma-quỉ và Sa-tan, dỗ-dành cả thiên-hạ; nó đã bị quăng xuống đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó”.—Khải-huyền 12:7-9.

Hãy lưu ý, Sa-tan được miêu tả là kẻ “dỗ-dành cả thiên-hạ”. Hắn dỗ dành bằng cách gieo ý tưởng sai lầm trong tôn giáo để khiến người ta xa cách Đức Giê-hô-va và Lời Ngài. Một niềm tin sai lầm là người chết đi đến cõi vô hình. Niềm tin này được dạy dỗ dưới nhiều hình thức khác nhau. Thí dụ, ở châu Phi và châu Á, nhiều người tin rằng người chết sang thế giới bên kia với tổ tiên. Giáo lý về luyện tội và hỏa ngục cũng dựa trên niềm tin con người tiếp tục sống sau khi chết.

Sau khi chết có được lên thiên đàng?

Trên khắp thế giới, hàng triệu người tin rằng người tốt được lên thiên đàng. Có phải vậy không? Đúng là có một số người tốt được lên trời, nhưng con số đó rất nhỏ so với hàng tỉ người đã chết. Kinh Thánh cho biết chỉ 144.000 người “được chuộc khỏi đất” để lên trời làm “thầy tế-lễ” và “trị-vì trên mặt đất” (Khải-huyền 5:9, 10; 14:1, 3). Họ cùng với Con người, tức Chúa Giê-su, hợp thành một chính phủ ở trên trời, gọi là Nước Đức Chúa Trời. Chính phủ đó sẽ loại trừ Sa-tan cùng các quỉ và biến trái đất thành địa đàng. Phần lớn những người đã chết sẽ được sống lại với triển vọng sống mãi trong địa đàng.—Thi-thiên 37:29.

Tóm lại, trong cõi vô hình có vô số thần linh. Thần linh tối cao là Đức Giê-hô-va, Đấng tạo ra sự sống. Hàng triệu thiên sứ trung thành phụng sự Ngài. Một số thiên sứ khác dưới sự chỉ đạo của Sa-tan chống lại Đức Chúa Trời và làm lầm lạc loài người. Ngoài ra, một số người được “chuộc” hay được chọn từ trái đất để lên trời thực hiện những vai trò đặc biệt. Giờ đây, hãy xem xét chúng ta có thể liên lạc với ai và như thế nào.