Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đã có vườn Ê-đen?

Đã có vườn Ê-đen?

Đã có vườn Ê-đen?

Bạn có biết câu chuyện về A-đam, Ê-va và vườn Ê-đen không? Nhiều người trên thế giới quen thuộc với câu chuyện này. Nếu có Kinh Thánh, sao bạn không thử đọc nơi Sáng-thế Ký 1:26–3:24. Nội dung là thế này:

Giê-hô-va Đức Chúa Trời * tạo nên một người nam từ bụi đất, đặt tên là A-đam và cho ông sống trong một khu vườn ở vùng gọi là Ê-đen. Chính Đức Chúa Trời đã sửa soạn khu vườn này. Trong vườn có nước dồi dào và vô số cây ăn trái đẹp mắt. Giữa vườn có “cây biết điều thiện và điều ác”. Đức Chúa Trời cấm con người ăn trái cây ấy và cho biết nếu không vâng lời thì sẽ chết. Sau đó, từ một xương sườn của A-đam, Đức Giê-hô-va tạo ra người bạn cho ông, đó là bà Ê-va. Đức Chúa Trời giao cho họ việc chăm sóc vườn và sinh con cái lan rộng khắp trái đất.

Khi Ê-va ở một mình, một con rắn đến nói chuyện với bà, cám dỗ bà ăn trái cấm. Nó nói rằng Đức Chúa Trời nói dối và không cho bà biết một điều tốt, là điều có thể khiến bà được như Đức Chúa Trời. Bà rơi vào bẫy và ăn trái cấm. Sau đó, A-đam cũng theo bà bất tuân với Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va đã đưa ra bản án cho A-đam, Ê-va và con rắn. Sau khi con người bị đuổi khỏi vườn địa đàng, các thiên sứ đứng canh giữ lối vào.

Có một thời các học giả, giới trí thức và sử gia rất tin các sự kiện trong sách Sáng-thế Ký của Kinh Thánh là thật và đúng với lịch sử. Nhưng ngày nay, người ta có xu hướng nghi ngờ những sự kiện đó. Tại sao họ nghi ngờ lời tường thuật trong sách Sáng-thế Ký về A-đam, Ê-va và vườn Ê-đen? Chúng ta hãy xem bốn điểm thường được nêu lên.

1. Vườn Ê-đen đã thật sự hiện hữu không?

Tại sao người ta nghi ngờ điều này? Một phần có thể là vì triết học. Trong nhiều thế kỷ, các nhà thần học cho rằng khu vườn của Đức Chúa Trời vẫn còn ở đâu đó. Tuy nhiên, giáo hội bị ảnh hưởng bởi các triết gia Hy Lạp như Plato và Aristotle, những người tin rằng không có gì hoàn hảo trên đất. Chỉ có trên trời mới có sự hoàn toàn. Vì thế, các nhà thần học lý luận rằng địa đàng nguyên thủy phải ở gần trời *. Một số người nói khu vườn ấy nằm trên một đỉnh núi rất cao để không bị ảnh hưởng bởi trái đất bại hoại này; những người khác cho rằng khu vườn này ở Bắc Cực hoặc Nam Cực; còn những người khác thì nghĩ ở mặt trăng hoặc gần đó. Không ngạc nhiên gì, ý niệm về vườn Ê-đen bị xem là chuyện huyền thoại. Một số học giả thời nay xem việc tìm vị trí của vườn Ê-đen là điều vô nghĩa, khẳng định không hề có một nơi như thế.

Tuy nhiên, Kinh Thánh không miêu tả vườn Ê-đen như thế. Sáng-thế Ký 2:8-14 cho chúng ta nhiều chi tiết cụ thể. Khu vườn nằm ở phía đông của vùng gọi là Ê-đen. Vườn này được tưới bởi một dòng sông là nguồn của bốn con sông. Mỗi con sông đều được đặt tên và được miêu tả ngắn về dòng chảy. Những chi tiết này từ lâu đã làm nhiều nhà nghiên cứu hoang mang, trong số đó có nhiều người dựa vào đoạn Kinh Thánh để tìm vị trí hiện nay của địa điểm cổ xưa này. Tuy nhiên, họ đi đến nhiều ý kiến trái ngược nhau về vị trí của khu vườn. Nhưng có phải như thế có nghĩa là vị trí của vùng Ê-đen, khu vườn và các con sông không có thật hoặc chỉ là huyền thoại?

Hãy xem điều này: Những sự kiện trong lời tường thuật về vườn Ê-đen đã xảy ra khoảng 6.000 năm trước đây. Dường như Môi-se đã dựa trên những lời truyền miệng hoặc có lẽ những tài liệu có trước đó để ghi lại các sự kiện ấy. Tuy nhiên, Môi-se đã viết khoảng 2.500 năm sau khi chúng xảy ra. Hẳn vườn Ê-đen đã trở thành một sự kiện lịch sử xa xưa. Vậy, những đặc điểm như các con sông có thay đổi qua hàng chục thế kỷ không? Lớp vỏ trái đất không ngừng thay đổi, thậm chí di chuyển. Khu vực có vườn Ê-đen dường như thường xảy ra động đất—hiện nay là nơi xảy ra 17% trận động đất lớn nhất thế giới. Trong khu vực như thế, việc thay đổi địa hình là điều thông thường. Hơn nữa, trận Nước Lụt thời Nô-ê có thể đã chuyển đổi địa hình trái đất theo những cách mà chúng ta không thể biết ngày nay *.

Dù vậy, có một số điều chúng ta đã biết: Lời tường thuật của sách Sáng-thế Ký nói đến khu vườn này là một nơi có thật. Hai trong bốn con sông được đề cập—sông Ơ-phơ-rát và Tigris, hay Hi-đê-ke—vẫn còn chảy đến ngày nay và nguồn của các con sông này gần nhau. Lời tường thuật thậm chí nêu tên những vùng đất mà các con sông này chảy qua và nói cụ thể về các tài nguyên thiên nhiên nổi tiếng ở khu vực đó. Với người dân Y-sơ-ra-ên xưa—các độc giả đầu tiên của lời tường thuật này—những chi tiết ấy rất có ý nghĩa.

Chuyện huyền thoại và cổ tích có thường như thế không? Hay thường bỏ bớt những chi tiết cụ thể mà người ta dễ kiểm chứng hoặc bác bỏ? Chuyện cổ tích thường bắt đầu với “ngày xửa ngày xưa, ở một xứ xa xôi nọ”. Trái lại, sự kiện lịch sử thì thường có những chi tiết quan trọng, như trong trường hợp lời tường thuật về vườn Ê-đen.

2. Có thể tin rằng Đức Chúa Trời tạo ra A-đam từ bụi đất và Ê-va từ xương sườn của A-đam không?

Khoa học ngày nay xác nhận rằng cơ thể con người được cấu tạo bởi nhiều yếu tố như hyđrô, oxy và cacbon, tất cả đều có trong vỏ trái đất. Nhưng làm sao những nguyên tố này hình thành một vật sống?

Nhiều nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng sự sống tự hình thành, bắt đầu từ một dạng rất đơn giản và dần dần qua hàng triệu năm, trở nên ngày càng phức tạp hơn. Tuy nhiên, từ “đơn giản” có thể không đúng vì tất cả các vật sống—thậm chí những sinh vật cực nhỏ chỉ có một tế bào​—cũng vô cùng phức tạp. Từ trước đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy sự sống xuất hiện do ngẫu nhiên. Trái lại, tất cả vật sống là bằng chứng không thể chối cãi của một sự thiết kế thông minh hơn con người rất nhiều *.—Rô-ma 1:20.

Hãy hình dung bạn đang nghe một bản giao hưởng tuyệt vời, ngắm một bức tranh tuyệt đẹp hoặc kinh ngạc trước một thành tựu kỹ thuật. Và bạn có khăng khăng cho rằng không có ai làm ra những điều ấy không? Chắc chắn không! Nhưng những kiệt tác ấy không thể nào sánh bằng vẻ đẹp, sự phức tạp và tài tình của việc sáng tạo cơ thể con người. Chúng ta có thể nào cho rằng không có Đấng Tạo Hóa? Hơn nữa, lời tường thuật của sách Sáng-thế Ký cho biết rằng trong tất cả sinh vật trên đất, chỉ có con người được tạo nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 1:26). Thật thích hợp, chỉ có con người trên đất có thể phản ánh lòng ham thích sáng tạo như Đức Chúa Trời, chẳng hạn trong việc sáng tác những tác phẩm đặc sắc về âm nhạc, nghệ thuật và kỹ thuật. Có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Chúa Trời có khả năng sáng tạo vượt trội hơn chúng ta không?

Có gì khó không khi Đức Chúa Trời dùng một xương sườn của người nam để tạo ra người nữ *? Đức Chúa Trời có thể dùng những cách khác nhưng cách này mang ý nghĩa sâu sắc. Ngài muốn người nam và người nữ kết hôn với nhau và có mối quan hệ mật thiết, như thể họ là “một thịt” (Sáng-thế Ký 2:24). Chẳng phải cách người nam và người nữ bổ sung cho nhau, hình thành mối quan hệ vững chắc là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự khôn ngoan và yêu thương của Đấng Tạo Hóa?

Hơn nữa, các nhà di truyền học nhận biết rằng tất cả con người dường như đều đến từ một người nam và một người nữ. Vậy, lời tường thuật nơi sách Sáng-thế Ký có xa vời không?

3. “Cây biết điều thiện và điều ác” và “cây sự sống” có vẻ là chuyện hoang đường.

Thật ra, lời tường thuật trong sách Sáng-thế Ký không nói những cây này lạ thường hoặc có sức mạnh siêu nhiên. Trái lại, chúng là những cây có thật mà Đức Giê-hô-va dùng với ý nghĩa tượng trưng.

Chẳng phải con người đôi khi cũng làm thế sao? Thí dụ, một quan tòa cảnh cáo phạm nhân không được khinh thường tòa. Quan tòa không phải muốn nói người ấy không được khinh thường đồ đạc hoặc bức tường của phòng xử án nhưng là hệ thống công lý mà tòa án đại diện. Nhiều vị vua cũng dùng vương trượng và vương miện để tượng trưng cho quyền cai trị.

Vậy, hai cây này tượng trưng cho gì? Người ta đưa ra nhiều giả thuyết phức tạp. Tuy nhiên, câu trả lời đúng thì khá đơn giản nhưng sâu sắc. Cây biết điều thiện và điều ác tượng trưng cho một điều chỉ thuộc về Đức Chúa Trời: quyền quyết định điều gì là thiện và điều gì là ác (Giê-rê-mi 10:23). Không ngạc nhiên gì khi ăn trái cây đó là phạm tội! Mặc khác, cây sự sống tượng trưng cho điều mà chỉ Đức Chúa Trời mới có thể ban cho: sự sống vĩnh cửu.—Rô-ma 6:23.

4. Việc con rắn biết nói có vẻ như chuyện thần thoại.

Đúng là điểm này trong lời tường thuật của Sáng-thế Ký có thể khó hiểu, đặc biệt nếu chúng ta không xem xét phần còn lại của Kinh Thánh, nhưng Kinh Thánh dần dần làm sáng tỏ điều bí ẩn này.

Ai hay điều gì đã khiến con rắn có vẻ như đang nói? Dân Y-sơ-ra-ên xưa biết nhiều yếu tố khác làm sáng tỏ vai trò của con rắn đó. Chẳng hạn, họ biết dù con vật không thể nói nhưng thần linh có thể khiến cho nó có vẻ như đang nói. Ông Môi-se cũng ghi lại lời tường thuật về Ba-la-am; Đức Chúa Trời sai thiên sứ đến khiến con lừa của Ba-la-am nói tiếng người.—Dân-số Ký 22:26-31; 2 Phi-e-rơ 2:15, 16.

Những thần linh khác, trong đó có kẻ thù của Đức Chúa Trời, có thể làm phép lạ không? Môi-se đã thấy các thầy pháp của Ai Cập làm một số phép lạ tương tự với Đức Chúa Trời, chẳng hạn làm cây gậy biến thành rắn. Sức mạnh để thực hiện phép lạ như thế chỉ có thể đến từ kẻ thù của Đức Chúa Trời trong cõi vô hình.—Xuất Ê-díp-tô Ký 7:8-12.

Dường như Môi-se cũng được Đức Chúa Trời soi dẫn để viết sách Gióp. Sách này cho chúng ta biết nhiều điều về kẻ thù chính của Đức Chúa Trời, Sa-tan, kẻ thách thức lòng trung kiên của tất cả tôi tớ Đức Giê-hô-va (Gióp 1:6-11; 2:4, 5). Vậy, dân Y-sơ-ra-ên thời xưa có suy ra rằng Sa-tan đã điều khiển con rắn ở vườn Ê-đen, khiến nó có vẻ như đang nói và lừa gạt Ê-va, làm bà mất lòng trung kiên với Đức Chúa Trời không? Có lẽ họ đã nghĩ thế.

Có phải Sa-tan đứng đằng sau con rắn không? Sau này, Chúa Giê-su đề cập đến Sa-tan “là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44). “Cha sự nói dối” hẳn là kẻ đã nói lời nói dối đầu tiên, phải không? Lời nói dối đầu tiên là lời của con rắn nói với Ê-va. Trái với lời cảnh báo của Đức Chúa Trời là ăn trái cấm sẽ chết, con rắn nói: “Hai ngươi chẳng chết đâu” (Sáng-thế Ký 3:4). Rõ ràng, Chúa Giê-su biết Sa-tan đã điều khiển con rắn. Trong sách Khải-huyền mà Chúa Giê-su cho sứ đồ Giăng biết rõ vấn đề, Sa-tan bị gọi là “con rắn xưa”.—Khải-huyền 1:1; 12:9.

Một thần linh mạnh mẽ có thể điều khiển một con rắn, khiến nó có vẻ như đang nói, có phải là chuyện khó tin không? Ngay cả con người, dù kém quyền lực hơn thần linh, cũng có khả năng lừa người khác qua việc nói bằng bụng hoặc tạo ra những hiệu ứng đặc biệt có sức thuyết phục.

Bằng chứng vững chắc nhất

Bạn có đồng ý là những người hoài nghi về lời tường thuật trong sách Sáng-thế Ký đều không có căn cứ rõ ràng? Mặt khác, có nhiều bằng chứng vững chắc cho thấy lời tường thuật này có thật trong lịch sử.

Chẳng hạn, Chúa Giê-su được gọi là “Đấng làm chứng thành-tín chân-thật” (Khải-huyền 3:14). Là người hoàn toàn, ngài không bao giờ nói dối, không bao giờ bóp méo sự thật. Hơn nữa, ngài cho biết ngài đã hiện hữu từ rất lâu trước khi xuống thế. Thật vậy, Chúa Giê-su sống với Cha ngài, Đức Giê-hô-va, “trước khi chưa có thế-gian” (Giăng 17:5). Vì thế, ngài đã hiện hữu trước khi có sự sống trên đất. Còn sự xác nhận nào đáng tin cậy hơn nhân chứng này không?

Chúa Giê-su nói về A-đam và Ê-va như là những người có thật. Ngài nói đến hôn nhân của họ khi giải thích tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về một vợ một chồng (Ma-thi-ơ 19:3-6). Nếu họ không bao giờ hiện hữu và khu vườn họ sống chỉ là huyền thoại thì Chúa Giê-su đã bị lừa hoặc ngài là người nói dối. Cả hai điều ấy không thể xảy ra! Chúa Giê-su đã ở trên trời và thấy thảm kịch diễn ra trong vườn. Còn bằng chứng nào vững chắc hơn?

Trên thực tế, sự hoài nghi về lời tường thuật nơi Sáng-thế Ký làm giảm đức tin của người ta nơi Chúa Giê-su. Sự hoài nghi ấy cũng khiến người ta không hiểu được một số đề tài quan trọng nhất của Kinh Thánh và những lời hứa chắc chắn nhất. Chúng ta hãy xem như thế nào.

[Chú thích]

^ đ. 3 Trong Kinh Thánh, “Giê-hô-va” là danh của Đức Chúa Trời.

^ đ. 7 Ý niệm này không đúng với Kinh Thánh. Kinh Thánh cho biết tất cả công việc của Đức Chúa Trời là hoàn hảo; sự bại hoại không đến từ Ngài (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4, 5). Khi Đức Giê-hô-va hoàn tất sự sáng tạo trái đất, Ngài tuyên bố các việc Ngài làm “thật rất tốt-lành”.—Sáng-thế Ký 1:31.

^ đ. 9 Đức Chúa Trời đã giáng Trận Nước Lụt, và rất có thể nó đã xóa sạch mọi dấu vết về vườn Ê-đen. Ê-xê-chi-ên 31:18 cho biết “những cây của vườn Ê-đen” đã không còn tồn tại kể từ thế kỷ thứ bảy trước công nguyên. Vì thế, những ai muốn tìm khu vườn Ê-đen vào thời sau đó đều không tìm được.

^ đ. 14 Xin xem sách mỏng Sự sống—Do sáng tạo?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 16 Điều đáng lưu ý là y học hiện đại cho biết xương sườn có khả năng tự phục hồi khác thường. Không giống những xương khác, xương sườn có thể mọc lại nếu lớp màng của mô liên kết vẫn còn.