Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời có biết A-đam và Ê-va sẽ phạm tội?

Đức Chúa Trời có biết A-đam và Ê-va sẽ phạm tội?

Đức Chúa Trời có biết A-đam và Ê-va sẽ phạm tội?

Nhiều người thành thật muốn biết lời giải đáp cho câu hỏi này. Khi nhắc đến lý do Đức Chúa Trời cho phép sự gian ác, tội lỗi của hai người đầu tiên trong vườn Ê-đen luôn là đề tài để thảo luận. Ý tưởng “Đức Chúa Trời biết mọi thứ” có lẽ dễ dàng khiến một số người kết luận rằng Đức Chúa Trời hẳn biết trước A-đam và Ê-va sẽ không vâng lời Ngài.

Nếu Đức Chúa Trời thật sự biết trước cặp vợ chồng hoàn hảo ấy sẽ phạm tội, điều này ngụ ý gì? Hẳn ngụ ý Ngài có nhiều điểm tiêu cực. Đức Chúa Trời có vẻ thiếu yêu thương, bất công và không thành thật. Một số người có thể cho rằng quả là gian ác khi đặt cặp vợ chồng đầu tiên trong tình huống mà biết trước sẽ có kết cục bi thảm. Dường như Đức Chúa Trời chịu trách nhiệm—hoặc ít nhất là góp phần—về mọi điều gian ác và đau khổ trong suốt lịch sử. Còn những người khác thì cho rằng Đấng Tạo Hóa có vẻ như thiếu suy xét.

Theo Kinh Thánh, Giê-hô-va Đức Chúa Trời có đúng với sự miêu tả tiêu cực như thế không? Để trả lời, chúng ta hãy xem những điều Kinh Thánh nói về công việc sáng tạo và cá tính của Đức Giê-hô-va.

“Thật rất tốt-lành”

Về sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, kể cả hai người đầu tiên trên đất, lời tường thuật trong Sáng-thế Ký cho biết: “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt-lành” (Sáng-thế Ký 1:31). A-đam và Ê-va được tạo ra cách hoàn hảo và không thiếu sót gì, thích hợp với môi trường trên đất. Vì được tạo ra “rất tốt-lành”, chắc chắn họ có thể giữ hạnh kiểm tốt, là điều Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi họ. Họ đã được tạo ra ‘như hình Đức Chúa Trời’ (Sáng-thế Ký 1:27). Vì thế, họ có khả năng thể hiện phần nào những đức tính của Đức Chúa Trời như khôn ngoan, yêu thương trung tín, công bình và nhân từ. Nhờ các đức tính đó, họ có thể có những quyết định mang lại lợi ích cho mình, và làm vui lòng Cha trên trời.

Đức Giê-hô-va ban cho hai tạo vật thông minh và hoàn hảo này sự tự do ý chí. Vì thế, họ không được lập trình trước để làm hài lòng Đức Chúa Trời—như rô-bốt. Hãy nghĩ về điều này. Giữa một món quà được tặng cách máy móc và món quà đến từ lòng, cái nào có ý nghĩa hơn với bạn? Câu trả lời rất rõ ràng. Tương tự, nếu A-đam và Ê-va chọn vâng lời Đức Chúa Trời thì điều đó có ý nghĩa hơn đối với Ngài. Nhờ có khả năng lựa chọn, hai người đầu tiên có thể vâng lời Đức Giê-hô-va vì yêu thương.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20.

Công bình, chánh trực và nhân từ

Kinh Thánh cho chúng ta biết các đức tính của Đức Giê-hô-va. Với những đức tính này, Đức Chúa Trời không thể nào dính líu đến tội lỗi. Thi-thiên 33:5 nói rằng Đức Giê-hô-va “chuộng sự công-bình và sự chánh-trực”. Do đó, Gia-cơ 1:13 cho biết: “Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám-dỗ được, và chính Ngài cũng không cám-dỗ ai”. Vì công bình và quan tâm, Ngài cảnh báo A-đam: “Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng-thế Ký 2:16, 17). Cặp vợ chồng đầu tiên được lựa chọn giữa sự sống vĩnh cửu và sự chết. Nếu cảnh báo họ về một tội mà biết trước họ sẽ vi phạm, chẳng phải Đức Chúa Trời là giả dối sao? Nhưng là Đấng “chuộng sự công-bình và sự chánh-trực”, Đức Giê-hô-va sẽ không yêu cầu họ lựa chọn một điều mà không có trong thực tế.

Đức Giê-hô-va cũng đầy lòng nhân từ (Thi-thiên 31:19). Miêu tả lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su nói: “Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đá chăng? Hay là con mình xin cá, mà cho rắn chăng? Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con-cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao?” (Ma-thi-ơ 7:9-11). Đức Chúa Trời ban “vật tốt” cho các tạo vật của Ngài. Cách con người được tạo ra và Địa Đàng được sửa soạn sẵn cho thấy lòng nhân từ của Ngài. Đấng Tối Thượng nhân từ như thế có thể nào độc ác đến nỗi ban cho một ngôi nhà xinh đẹp mà Ngài biết trước nó sẽ bị lấy lại? Không. Đấng tạo ra chúng ta là công bình và nhân từ nên không thể đổ lỗi cho Ngài về sự phản nghịch của con người.

“Khôn-ngoan có một”

Kinh Thánh cũng cho thấy Đức Giê-hô-va “khôn-ngoan có một” (Rô-ma 16:27). Các thiên sứ của Đức Chúa Trời đã chứng kiến nhiều điều cho thấy sự khôn ngoan vô biên của Ngài. Họ “cất tiếng reo mừng” khi Đức Giê-hô-va tạo ra các tạo vật trên đất (Gióp 38:4-7). Chắc chắn các tạo vật thông minh này đã chăm chú theo dõi các sự kiện xảy ra trong vườn Ê-đen. Vậy, liệu có hợp lý không khi một Đức Chúa Trời khôn ngoan, sau khi tạo ra vũ trụ đáng kinh ngạc và hàng loạt công trình tuyệt diệu trên đất, rồi dựng nên hai tạo vật đặc biệt trước mắt các con thần linh trên trời để rồi biết trước hai người ấy sẽ thất bại? Rõ ràng, định trước một kết cục bi thảm như thế là điều không hợp lý.

Tuy nhiên, một người có thể phản đối: “Làm thế nào một Đức Chúa Trời khôn ngoan như thế lại không biết trước chuyện sẽ xảy ra?”. Đúng là một khía cạnh của sự khôn ngoan vô song của Đức Giê-hô-va là biết “sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên” (Ê-sai 46:9, 10). Tuy nhiên, Ngài không cần dùng khả năng này, cũng giống như Ngài không luôn luôn dùng hết sức mạnh vô biên của Ngài. Đức Giê-hô-va khôn ngoan dùng khả năng biết trước một cách có chọn lọc. Ngài dùng khả năng này khi cần thiết và tùy vào hoàn cảnh.

Việc không dùng khả năng biết trước có thể so sánh với một chức năng của kỹ thuật hiện đại. Một người xem một trận đấu thể thao đã được thu hình có thể chọn xem những phút cuối để biết kết quả. Nhưng người đó không cần làm thế. Có ai chỉ trích người đó vì xem trận đấu từ đầu đến cuối không? Tương tự, Đấng Tạo Hóa rõ ràng đã chọn không xem trước kết quả của sự việc. Thay vì thế, Ngài quyết định chờ đợi các sự kiện diễn ra để thấy con cái trên đất của Ngài hành động thế nào.

Như đã đề cập ở trên, với sự khôn ngoan, Đức Giê-hô-va đã không tạo ra con người như rô-bốt được lập trình sẵn. Ngược lại, Ngài yêu thương ban cho họ tự do ý chí. Khi chọn con đường đúng, họ có thể biểu lộ tình yêu thương, lòng biết ơn và sự vâng lời, nhờ đó đem lại niềm vui cho chính họ và cho Cha trên trời là Đức Giê-hô-va.—Châm-ngôn 27:11; Ê-sai 48:18.

Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời đã không dùng khả năng biết trước trong nhiều dịp. Chẳng hạn, khi người trung thành là Áp-ra-ham sắp hy sinh con mình, Đức Giê-hô-va nói: “Bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính-sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi” (Sáng-thế Ký 22:12). Hơn nữa, cũng có nhiều lần hạnh kiểm xấu của một số người đã “làm buồn lòng” Ngài. Đức Chúa Trời có cảm thấy đau lòng nếu biết trước từ lâu điều họ sẽ làm không?—Thi-thiên 78:40, 41, Bản Dịch Mới; 1 Các Vua 11:9, 10.

Vì thế, hợp lý khi kết luận là Đức Chúa Trời khôn ngoan không dùng khả năng biết trước việc tổ phụ chúng ta sẽ phạm tội. Ngài không thiếu suy xét đến nỗi tạo ra con người chỉ để họ trải qua những sự kiện mà Ngài đã biết trước sẽ xảy ra.

“Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”

Kẻ thù Đức Chúa Trời là Sa-tan đã khởi xướng sự phản loạn trong vườn Ê-đen, dẫn đến hậu quả xấu trong đó có tội lỗi và sự chết. Vì thế Sa-tan là “kẻ giết người”. Hắn cũng “là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44). Với động cơ xấu, hắn cố gắng quy động cơ xấu cho Đấng Tạo Hóa yêu thương của chúng ta. Hắn muốn đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va về tội lỗi của con người.

Yêu thương là lý do mạnh mẽ để Đức Giê-hô-va không chọn biết trước A-đam và Ê-va sẽ phạm tội. Tình yêu thương là đức tính chính của Đức Chúa Trời. 1 Giăng 4:8 cho biết: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. Tình yêu thương luôn tích cực chứ không tiêu cực. Người yêu thương luôn tìm điểm tốt nơi người khác. Thật vậy, vì yêu thương, Giê-hô-va Đức Chúa Trời muốn điều tốt nhất cho cặp vợ chồng đầu tiên.

Dù cho con cái trên đất có thể lựa chọn thiếu khôn ngoan, Đức Chúa Trời yêu thương đã không bi quan hoặc nghi ngờ các tạo vật hoàn hảo này. Ngài ban dư dật những thứ họ cần và cho biết những điều họ cần biết. Thật thích hợp là Đức Chúa Trời mong đợi họ vâng phục Ngài vì yêu thương, chứ không phải sự phản nghịch. Ngài biết rằng A-đam và Ê-va có khả năng giữ sự trung thành, vì sau này ngay cả những người bất toàn như Áp-ra-ham, Gióp, Đa-ni-ên và nhiều người khác đã làm được.

Chúa Giê-su nói: “Đức Chúa Trời làm mọi việc đều được” (Ma-thi-ơ 19:26). Thật an ủi biết bao! Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va, cùng những đức tính chính của Ngài là công bình, khôn ngoan và quyền năng, bảo đảm rằng đến đúng lúc Ngài có thể và sẽ loại trừ tất cả hậu quả của tội lỗi và sự chết.—Khải-huyền 21:3-5.

Rõ ràng, Đức Giê-hô-va không biết trước cặp vợ chồng đầu tiên sẽ phạm tội. Dù đau lòng vì sự bất tuân của con người và hậu quả kèm theo đó, Đức Chúa Trời biết tình trạng tạm thời này sẽ không ngăn cản việc thực hiện ý định đời đời của Ngài dành cho trái đất và nhân loại. Sao bạn không tìm hiểu thêm về ý định tuyệt vời ấy và cách bạn có thể nhận được lợi ích từ đó *?

[Chú thích]

^ đ. 23 Để biết thêm thông tin về ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất, xin xem chương 3 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Câu nổi bật nơi trang 14]

Đức Giê-hô-va đã không tạo ra hai người đầu tiên như rô-bốt được lập trình sẵn

[Câu nổi bật nơi trang 15]

Đức Chúa Trời biết rằng A-đam và Ê-va có khả năng giữ sự trung thành