Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao Sa-tan dùng con rắn để nói chuyện với Ê-va?

Tại sao Sa-tan dùng con rắn để nói chuyện với Ê-va?

Câu hỏi độc giả

Tại sao Sa-tan dùng con rắn để nói chuyện với Ê-va?

▪ Như được nói đến nơi trang 8, có lẽ bạn đồng ý rằng Sa-tan đứng đằng sau con rắn để nói chuyện với bà Ê-va. Đó chính là điều Kinh Thánh dạy. Tuy nhiên, bạn có thể thắc mắc: “Tại sao một thần linh mạnh mẽ lại dùng một con rắn để nói chuyện?”.

Kinh Thánh gọi các chiến thuật của Sa-tan là những “mưu-kế”, và sự việc trong vườn Ê-đen đã chứng minh điều này (Ê-phê-sô 6:11). Những gì chúng ta thấy trong vườn Ê-đen không phải là chuyện dụ ngôn về một con vật biết nói, nhưng là thí dụ rõ ràng về thủ đoạn đáng sợ nhằm lừa người ta tách biệt khỏi Đức Chúa Trời. Như thế nào?

Sa-tan đã khôn khéo lựa chọn đúng mục tiêu. Ê-va là tạo vật thông minh nhỏ tuổi nhất trong vũ trụ. Lợi dụng bà chưa có kinh nghiệm, hắn đã âm mưu dụ dỗ bà. Bằng cách đứng sau con rắn—một tạo vật thận trọng—hắn che giấu mục đích đầy táo bạo và tham vọng của mình (Sáng-thế Ký 3:1). Chúng ta hãy xem hắn thực hiện được gì khi làm cho con rắn có vẻ như đang nói.

Trước tiên, Sa-tan rất hữu hiệu trong việc thu hút sự chú ý của Ê-va. Bà biết rằng con rắn không thể nói chuyện. Chồng bà có lẽ sau khi nghiên cứu kỹ đã đặt tên cho tất cả các loài thú, trong đó có loài rắn (Sáng-thế Ký 2:19). Chắc hẳn Ê-va cũng quan sát tạo vật thận trọng này. Vì thế, mánh khóe của Sa-tan là gợi sự tò mò của bà, khiến bà tập trung vào thứ duy nhất bị cấm trong vườn. Thứ hai, nếu con rắn nấp khuất trong tán cây, thì bà Ê-va nghĩ sao? Chẳng lẽ bà không lý luận rằng tạo vật thấp kém, không biết nói này đã ăn trái đó và nhờ thế nói được hay sao? Nếu trái cây này hiệu quả cho con rắn, chẳng lẽ lại không mang lại lợi ích gì cho bà sao? Chúng ta không chắc Ê-va đã nghĩ gì hoặc con rắn có ăn trái đó không, nhưng chúng ta biết khi con rắn nói với Ê-va rằng trái cây đó có thể làm cho bà “như Đức Chúa Trời”, bà đã tin lời nói dối ấy.

Việc Sa-tan biết lựa lời để nói cũng cho biết nhiều điều. Hắn gieo sự nghi ngờ vào tâm trí Ê-va, ngụ ý rằng Đức Chúa Trời không cho bà hưởng một điều gì đó tốt và giới hạn sự tự do của bà cách không cần thiết. Sa-tan bảo đảm rằng Ê-va sẽ trở nên giống như Đức Chúa Trời. Sự thành công của mưu kế này tùy thuộc vào việc bà để cho sự ích kỷ lấn át tình yêu thương với Đức Chúa Trời, Đấng đã cho bà mọi thứ (Sáng-thế Ký 3:4, 5). Đáng buồn thay, nước cờ của Sa-tan đã đạt được mục đích. Cả Ê-va lẫn A-đam đã không vun trồng tình yêu thương và lòng biết ơn mà lẽ ra họ phải có với Đức Giê-hô-va. Chắc hẳn, ngày nay Sa-tan cũng cổ vũ tinh thần ích kỷ và biện hộ như thế.

Tuy nhiên, còn động cơ của Sa-tan thì sao? Hắn theo đuổi điều gì? Trong vườn Ê-đen, hắn cố che giấu danh tánh và động cơ của mình. Nhưng dần dần hắn đã lộ diện. Khi cám dỗ Chúa Giê-su, hắn biết chắc không thể che đậy danh tánh của mình được nữa. Vì thế, hắn trực tiếp thúc giục Chúa Giê-su rằng: ‘Hãy sấp mình trước mặt ta mà thờ-lạy’ (Ma-thi-ơ 4:9). Rõ ràng, từ lâu Sa-tan đã ghen tị với sự thờ phượng mà chỉ dành cho Đức Chúa Trời. Bằng bất cứ giá nào, hắn cản trở người ta thờ phượng Đức Chúa Trời hoặc khiến họ thờ phượng theo cách không được Ngài chấp nhận. Hắn thích thú khi phá đổ lòng trung kiên của chúng ta với Đức Chúa Trời.

Rõ ràng, Kinh Thánh cho biết Sa-tan rất mưu mô xảo quyệt trong việc phá đổ những người nằm mục tiêu của hắn. Đáng mừng thay, chúng ta có thể tránh bị mắc lừa như bà Ê-va vì “chúng ta chẳng phải là không biết mưu-chước của nó”.—2 Cô-rinh-tô 2:11.