Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vụ án đáng hổ thẹn nhất

Vụ án đáng hổ thẹn nhất

Vụ án đáng hổ thẹn nhất

Ít có vụ án nào thời cổ đại được nhiều sử liệu nói đến bằng vụ án này. Có tới bốn sách Kinh Thánh, gọi là Phúc âm, tường thuật lại vụ án từ lúc bị cáo bị bắt, đưa ra tòa, đến lúc bị hành hình. Đó là vụ án xét xử Chúa Giê-su. Tại sao bạn nên quan tâm đến vụ án này? Vì Chúa Giê-su bảo các môn đồ tưởng niệm sự chết của ngài, và chính vụ án này đã dẫn đến cái chết đó; vì chúng ta muốn biết lời buộc tội Chúa Giê-su có đúng không; vì việc Chúa Giê-su sẵn sàng hy sinh mạng sống ảnh hưởng đến chúng ta ngay bây giờ và trong tương lai.—Lu-ca 22:19; Giăng 6:40.

Vào thời điểm Chúa Giê-su bị xét xử, xứ Pha-lê-tin nằm dưới sự đô hộ của La Mã. Tuy nhiên, chính quyền La Mã cho phép nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương xét xử các vụ án theo luật của họ, nhưng dường như họ không được phép hành hình tội phạm. Do đó, Chúa Giê-su bị các nhà lãnh đạo Do Thái giáo bắt nhưng bị chính quyền La Mã hành hình. Vì công việc truyền giáo của ngài, Chúa Giê-su đã trở thành cái gai trong mắt giới lãnh đạo Do Thái giáo. Họ rắp tâm loại trừ ngài, nhưng muốn việc này được ngụy trang dưới chiêu bài pháp lý. Một giáo sư ngành luật phân tích những việc họ đã làm nhằm thực hiện ý đồ, và kết luận rằng vụ việc này “là thủ đoạn thâm độc nhất trong lịch sử tố tụng”. *

Vụ án bất hợp pháp

Luật pháp mà Môi-se truyền lại cho dân Y-sơ-ra-ên được xem là “bộ luật ưu việt và tân tiến nhất từng được ban hành”. Đến thời Chúa Giê-su, các ra-bi thích đặt ra luật cho mọi việc nên đã thêm vào vô số điều luật ngoài Kinh Thánh. Phần lớn những luật ấy sau này được ghi lại trong kinh Talmud (Xin xem khung  “Luật của người Do Thái vào những thế kỷ đầu công nguyên”, trang 20). Vụ án của Chúa Giê-su có được xét xử đúng với các điều luật trong Kinh Thánh và các điều luật được đặt thêm không?

Có phải Chúa Giê-su bị bắt dựa vào lời khai khớp nhau của hai nhân chứng cáo giác ngài trước tòa về một tội danh nào đó không? Nếu đúng như vậy thì việc bắt ngài mới hợp pháp. Vào thế kỷ thứ nhất ở xứ Pha-lê-tin, khi tin rằng một người đã vi phạm pháp luật, một công dân Do Thái phải tố giác người đó trước tòa vào giờ hành chính. Tòa án chỉ được phép xem xét lời tố giác mà không có quyền kiện. Bên nguyên cáo là những người đã chứng kiến sự việc. Vụ án được khởi tố khi có ít nhất hai nhân chứng tố cùng một vụ, và lời chứng nhất quán nhau. Lời chứng của họ là cơ sở để xác định tội danh và bắt người tình nghi. Nếu chỉ có lời chứng của một người, thì không có hiệu lực (Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:15). Trường hợp Chúa Giê-su hoàn toàn bất hợp pháp. Giới lãnh đạo Do Thái giáo “tìm phương” giết ngài và bắt ngài vào “dịp-tiện”, giữa đêm “khi dân-chúng không biết”.—Lu-ca 22:2, 5, 6, 53.

Chúa Giê-su bị bắt dù không có ai tố giác ngài. Sau khi bắt ngài, các thầy tế lễ và Tòa Công Luận, tức tòa án Do Thái tối cao, mới đi tìm nhân chứng (Ma-thi-ơ 26:59). Nhưng họ không tìm được hai lời khai giống nhau. Ngoài ra, việc tìm người làm chứng không phải là nhiệm vụ của tòa. Hơn nữa, luật sư kiêm sử gia Taylor Innes cho biết: “Xử một người, nhất là để định đoạt sự sống chết của người ấy, mà không nêu rõ tội danh là vi phạm luật pháp trắng trợn, đáng lên án”.

Những người đang giam giữ Chúa Giê-su giải ngài đến nhà thầy cả thượng phẩm An-ne để ông thẩm vấn (Lu-ca 22:54; Giăng 18:12, 13). Ông này bất chấp luật quy định rằng vụ án mà can phạm có thể lãnh án tử hình phải được xử ban ngày chứ không phải ban đêm. Hơn nữa, việc điều tra phải diễn ra trước tòa án chứ không phải nơi kín. Biết ông An-ne làm sai luật, Chúa Giê-su hỏi: “Cớ sao ngươi gạn-hỏi ta? Hãy hỏi những kẻ đã nghe ta nói điều chi với họ; những kẻ đó biết điều ta đã nói” (Giăng 18:21). Đúng vậy, An-ne nên hỏi người làm chứng, thay vì bị cáo. Nếu là một quan tòa thanh liêm, hẳn An-ne phải suy xét lời của Chúa Giê-su và tuân thủ pháp luật, nhưng ông không quan tâm gì đến công lý.

Chúa Giê-su đã bị vả khi hỏi như thế, và trong đêm đó ngài còn bị đối xử thô bạo hơn (Lu-ca 22:63; Giăng 18:22). Luật về thành ẩn náu, được ghi trong Kinh Thánh nơi Dân-số Ký chương 35, bảo vệ bị cáo cho đến khi được định tội. Lẽ ra Chúa Giê-su cũng phải được bảo vệ như thế.

Giờ đây, Chúa Giê-su bị giải đến nhà thầy cả thượng phẩm Cai-phe và vụ án bất hợp pháp tiếp tục diễn ra giữa đêm khuya (Lu-ca 22:54; Giăng 18:24). Bất chấp công lý, các thầy tế lễ kiếm “chứng dối về Ngài, cho được giết Ngài”. Tuy nhiên, không có hai lời chứng nào khớp nhau về những gì Chúa Giê-su đã nói (Ma-thi-ơ 26:59; Mác 14:56-59). Thế nên, thầy cả thượng phẩm quay sang tìm lỗi trong chính lời nói của Chúa Giê-su. Ông hỏi: “Ngươi chẳng đối-đáp chi hết về những điều các kẻ nầy cáo ngươi sao?” (Mác 14:60). Điều này hoàn toàn vô lý. Ông Innes, được đề cập ở trên, cho biết: “Việc chất vấn bị cáo và dựa vào lời khai để kết tội người đó là vi phạm thủ tục pháp lý”.

Cuối cùng, các thầy tế lễ đã nhắm vào một lời nói của Chúa Giê-su. Khi được hỏi: “Chính ngươi là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời đáng ngợi-khen phải không?”, Chúa Giê-su trả lời: “Ta chính phải đó; các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền-phép Đức Chúa Trời, và ngự giữa đám mây trên trời mà đến”. Viện vào lời đó, các thầy tế lễ đã quy cho ngài tội phạm thượng và “ai nấy đều đoán Ngài đáng chết”.—Mác 14:61-64. *

Theo Luật pháp Môi-se, những vụ án phải được xét xử nơi công cộng (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:18; Ru-tơ 4:1). Nhưng trong trường hợp của Chúa Giê-su, vụ án lại được xét xử ở nơi kín. Không ai được phép hay cố gắng bào chữa cho ngài. Không ai xét việc Chúa Giê-su khẳng định ngài là Đấng Mê-si. Ngài cũng chẳng được phép nhờ ai làm chứng cho mình. Ngoài ra, các quan tòa không tiến hành biểu quyết đúng thủ tục trước khi ra phán quyết.

Ra hầu Phi-lát

Dường như người Do Thái không có quyền hành hình Chúa Giê-su, nên các thầy tế lễ giải ngài đến quan tổng đốc người La Mã Bôn-xơ Phi-lát. Câu đầu tiên ông hỏi họ là: “Các ngươi kiện người nầy về khoản gì?”. Họ trả lời: “Ví chẳng phải là tay gian-ác, chúng tôi không nộp cho quan” (Giăng 18:29, 30). Các thầy tế lễ biết tội phạm thượng họ bịa ra sẽ không được Phi-lát xét đến nên họ trả lời như thế để thúc Phi-lát kết tội Chúa Giê-su mà không qua điều tra. Tuy nhiên, Phi-lát không chấp nhận câu trả lời của họ. Điều này buộc họ nghĩ ra một lời tố cáo khác: “Chúng tôi đã thấy người nầy xui dân ta làm loạn, cấm nộp thuế cho Sê-sa, và xưng mình là Đấng Christ, là Vua” (Lu-ca 23:2). Lúc này, họ xảo quyệt biến tội phạm thượng thành tội phản quốc.

Lời tố cáo Chúa Giê-su “cấm nộp thuế” là sai và các thầy tế lễ thừa biết điều đó. Chúa Giê-su từng dạy phải trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa (Ma-thi-ơ 22:15-22). Còn về tội tự xưng là vua thì Phi-lát nhận ra ngay Chúa Giê-su không phải là mối đe dọa cho đế quốc La Mã. Ông nói: “Ta chẳng thấy người có tội-lỗi gì cả” (Giăng 18:38). Cho đến cuối vụ án, ông vẫn tin Chúa Giê-su vô tội.

Theo tục lệ, quan có quyền xá tội một tù nhân vào dịp Lễ Vượt Qua, và Phi-lát muốn tha Chúa Giê-su. Nhưng sau này, ông lại tha Ba-ra-ba, một kẻ phạm tội nổi loạn và giết người.—Lu-ca 23:18, 19; Giăng 18:39, 40.

Vì muốn tha Chúa Giê-su nên quan tổng đốc lấy lòng các thầy tế lễ bằng cách để cho Chúa Giê-su bị quất bằng dây, khoác áo màu tía, đội vòng bằng gai, đánh đập và nhạo báng. Khi đưa Chúa Giê-su ra trước các thầy tế lễ, một lần nữa ông khẳng định ngài vô tội. Những lời của ông hàm ý: “Đến mức này mà các ông chưa thỏa dạ sao?”. Có lẽ ông nghĩ khi các thầy tế lễ thấy Chúa Giê-su trên mình đầy thương tích do bị đánh theo cách của người La Mã, họ sẽ hả dạ hoặc cảm thấy thương xót (Lu-ca 23:22). Nhưng họ chẳng hề mủi lòng.

“Phi-lát kiếm cách để tha Ngài; nhưng dân Giu-đa kêu lên rằng: Ví bằng quan tha người nầy, thì quan không phải là trung-thần của Sê-sa; vì hễ ai tự xưng là vua, ấy là xướng lên nghịch cùng Sê-sa vậy!” (Giăng 19:12). Thời đó, Sê-sa là Ti-be-rơ, một hoàng đế khét tiếng là hành hình tất cả những ai ông nghi là bất trung, dù quan chức cao cấp. Phi-lát không muốn làm dân Do Thái tức giận hơn, và càng không muốn mình bị tố vào tội bất trung. Ông sợ hãi vì lời nói của dân ẩn chứa một sự đe dọa. Cuối cùng, ông nhượng bộ trước áp lực của đám đông và lệnh cho đóng đinh Chúa Giê-su, dù biết ngài vô tội.—Giăng 19:16.

Xét lại vụ án

Nhiều nhà bình luận pháp lý phân tích lời tường thuật trong các sách Phúc âm về vụ xét xử Chúa Giê-su. Họ đều kết luận đó là một trò hề công lý. Một luật sư cho biết: “Việc phiên tòa bắt đầu lúc giữa đêm và chấm dứt trong buổi sáng, cũng như việc tuyên án trong thời gian đó đều vi phạm luật Do Thái cả về hình thức lẫn nội dung, và trái ngược với các nguyên tắc công lý”. Một giáo sư ngành luật cũng nói: “Từ đầu đến cuối, vụ án có đầy dẫy những vi phạm trắng trợn và bất thường, nên vụ án này chẳng khác nào một vụ ám sát dưới bình phong pháp lý”.

Dù Chúa Giê-su hoàn toàn vô tội, nhưng ngài biết cái chết của ngài vô cùng cần thiết để giải cứu nhân loại biết vâng lời (Ma-thi-ơ 20:28). Chúa Giê-su quý trọng công lý đến mức ngài sẵn sàng chịu sự bất công lớn nhất. Ngài làm thế vì những người tội lỗi như chúng ta. Mong sao, chúng ta luôn khắc ghi hành động cao cả của Chúa Giê-su.

[Chú thích]

^ đ. 3 Khối Ki-tô giáo đã lợi dụng lời tường thuật về cái chết của Chúa Giê-su trong các sách Phúc âm hầu gieo rắc chủ nghĩa bài người Do Thái, nhưng những người viết sách Phúc âm không hề có quan điểm đó vì họ cũng là người Do Thái.

^ đ. 11 Tội phạm thượng là tội dùng danh Đức Chúa Trời cách bất kính hoặc muốn giành lấy quyền thuộc về Ngài. Những người tố cáo Chúa Giê-su không chứng minh được ngài đã phạm một trong hai tội này.

[Khung/​Hình nơi trang 20]

 Luật của người Do Thái vào những thế kỷ đầu công nguyên

Trong những thế kỷ đầu công nguyên, những luật truyền khẩu của người Do Thái được gộp lại thành một văn bản dù đã có từ trước đó rất lâu. Bộ luật này bao gồm các điều luật sau:

▪ Trong vụ án mà bị cáo có thể lãnh án tử hình, trước hết quan tòa phải nghe lời bào chữa thuận lợi cho bên bị cáo.

▪ Quan tòa phải làm mọi điều có thể để tha bị cáo nếu được.

▪ Họ có thể nêu điều thuận lợi cho bị cáo, mà không được nêu điều bất lợi.

▪ Những nhân chứng được nhắc nhở về bổn phận quan trọng của mình.

▪ Mỗi nhân chứng khai riêng, không có mặt của các nhân chứng khác.

▪ Lời khai phải ăn khớp về những chi tiết quan trọng của vụ việc như: ngày, giờ, địa điểm v.v.

▪ Phiên tòa xử các vụ án mà bị cáo có thể lãnh án tử hình phải diễn ra ban ngày.

▪ Không được phép xét xử các vụ án tử hình vào ngày trước của ngày Sa-bát hoặc ngày lễ.

▪ Nếu phán quyết thuận lợi cho bị cáo thì phiên tòa có thể kết thúc nội trong ngày mở phiên tòa; nếu không, phiên tòa phải kết thúc vào ngày hôm sau, là lúc bản án được tuyên bố và thi hành.

▪ Nếu xử người có thể bị tội tử hình, hội đồng xét xử phải gồm ít nhất 23 quan tòa.

▪ Bắt đầu từ người trẻ nhất, quan tòa lần lượt biểu quyết, hoặc tha bổng hay kết tội. Kết quả được ghi lại.

▪ Tòa sẽ xử trắng án nếu số người biểu quyết xin tha cho bị cáo nhiều hơn phân nửa, dù chỉ một người. Nhưng nếu muốn kết tội thì số người biểu quyết kết tội phải nhiều hơn số người xin tha ít nhất hai người. Nếu chưa đạt yêu cầu trên, phải bổ sung hai quan tòa cho đến khi ra được phán quyết.

▪ Một bản án kết tội sẽ vô giá trị nếu không có ít nhất một quan tòa bào chữa cho bị cáo. Trường hợp tất cả quan tòa đều xử bị cáo có tội thì được xem là “có dấu hiệu thông đồng với nhau”.

Điều bất hợp pháp trong vụ án Chúa Giê-su

▪ Tại phiên tòa, không có lời bào chữa hoặc người làm chứng cho Chúa Giê-su.

▪ Không có quan tòa nào biện hộ cho Chúa Giê-su vì họ đều là kẻ thù của ngài.

▪ Các thầy tế lễ tìm người làm chứng dối để kết tội tử hình Chúa Giê-su.

▪ Phiên tòa diễn ra vào ban đêm, ở nơi kín.

▪ Phiên tòa bắt đầu và kết thúc trong cùng ngày, vào ngày trước của ngày lễ.

▪ Chúa Giê-su bị bắt dù không ai tố giác ngài.

▪ Không ai xét việc Chúa Giê-su khẳng định ngài là Đấng Mê-si. Lời khẳng định ấy bị xem là “phạm thượng”.

▪ Tội danh bị thay đổi khi vụ án được đưa ra Phi-lát xét xử.

▪ Lời buộc tội sai sự thật.

▪ Dù biết rõ Chúa Giê-su vô tội nhưng Phi-lát vẫn hành hình ngài.

[Khung nơi trang 22]

Nhân chứng chịu trách nhiệm về cái chết của bị cáo

Trước khi làm chứng trong vụ án mà bị cáo có thể bị tử hình, những nhân chứng được tòa án nhắc nhở về giá trị mạng sống của bị cáo:

“Có lẽ bạn có ý định làm chứng dựa trên suy đoán, lời đồn đại, hoặc lời của nhân chứng khác; hay bạn nghĩ “tôi nghe chuyện đó từ một người đáng tin cậy”. Có lẽ bạn không biết chúng tôi sẽ dùng phương pháp thẩm tra để xác minh lời khai của bạn. Bạn hãy nhớ là luật xét xử vụ án về tài sản khác với luật xét xử vụ án liên quan đến mạng sống của bị cáo. Trong vụ án về tài sản, bị cáo phải bồi thường để chuộc lại tội mình. Còn trong vụ án liên quan đến mạng sống của bị cáo, người [làm chứng dối] phải chịu trách nhiệm về máu [của bị cáo] và máu của con cháu chưa được sinh ra từ bị cáo [bị kết tội oan] cho đến mãi mãi”.—Kinh Talmud của Ba-by-lôn, Tòa Công Luận, 37a.

Nếu bị cáo lãnh án tử hình, người làm chứng phải là người tham gia vào việc hành hình.—Lê-vi Ký 24:14; Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:6, 7.