Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tin mừng cho những mảnh đời cơ cực

Tin mừng cho những mảnh đời cơ cực

Tin mừng cho những mảnh đời cơ cực

Lời Đức Chúa Trời đảm bảo rằng: “Người thiếu-thốn sẽ không bị bỏ quên luôn luôn” (Thi-thiên 9:18). Kinh Thánh nói về Đấng Tạo Hóa như sau: “Chúa xòe tay ra, làm cho thỏa nguyện mọi loài sống” (Thi-thiên 145:16). Mong ước này không phải là giấc mơ suông. Đức Chúa Trời Toàn Năng có giải pháp để chấm dứt sự nghèo khổ. Giải pháp đó là gì?

Một nhà kinh tế học người châu Phi bình luận rằng điều lý tưởng nhất mà các nước nghèo cần là một “nhà độc tài nhưng lại bác ái”. Câu này ngụ ý là để chấm dứt sự nghèo khổ, cần một nhà lãnh đạo có toàn quyền và thiện chí. Thật ra, người đó cũng phải nắm quyền trên toàn thế giới vì sự nghèo khó cùng cực thường là hậu quả của việc bất bình đẳng giữa các nước. Hơn nữa, nhà lãnh đạo đó phải có khả năng loại trừ tận gốc rễ của sự nghèo khổ, tức là bản chất ích kỷ của con người. Tìm nơi đâu một nhà lãnh đạo lý tưởng như thế?

Đức Chúa Trời đã sai Chúa Giê-su đi rao truyền tin mừng cho những người nghèo khó. Vào dịp nọ, ngài đọc câu Kinh Thánh nói về sứ mệnh của ngài trước công chúng: ‘Đức Giê-hô-va đã xức dầu [chọn] ta đặng truyền tin mừng cho người nghèo’.—Lu-ca 4:16-18.

Tin mừng đó là gì?

Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã chọn Chúa Giê-su làm Vua. Đó thật sự là tin mừng. Chúa Giê-su là đấng lãnh đạo lý tưởng, có khả năng chấm dứt sự nghèo khổ vì: (1) ngài sẽ trị vì toàn thể nhân loại và có quyền lực để hành động; (2) ngài đối xử nhân từ với những người nghèo khổ và dạy các môn đồ phải chăm sóc họ; và (3) ngài có khả năng loại trừ khuynh hướng ích kỷ của con người, nguyên nhân sâu xa của sự nghèo khổ. Chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh này.

1. Chúa Giê-su sẽ trị vì khắp đất. Kinh Thánh miêu tả về Chúa Giê-su: “Người được ban cho quyền-thế... hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu-việc người” (Đa-ni-ên 7:14). Bạn có hình dung được những lợi ích khi trên thế giới chỉ có một chính phủ cai trị không? Lúc đó sẽ không có sự tranh giành các nguồn tài nguyên. Nguồn tài nguyên sẽ được phân bổ cách công bằng. Chính Chúa Giê-su khẳng định ngài sẽ trị vì toàn trái đất và có quyền lực để thực hiện những điều đó. Ngài nói: “Hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta”.—Ma-thi-ơ 28:18.

2. Chúa Giê-su đối xử nhân từ với người nghèo khổ. Suốt thời gian rao truyền tin mừng trên đất, Chúa Giê-su thể hiện lòng nhân từ với những người nghèo. Chẳng hạn, một người đàn bà đã bán hết những gì mình có để chữa bệnh nhưng vẫn không khỏi. Bà đã chịu đựng căn bệnh rong huyết trong 12 năm nên có lẽ bà rất xanh xao. Bà đến chạm vào áo Chúa Giê-su với hy vọng sẽ được chữa lành. Theo luật pháp thời đó, bà không được phép chạm vào người khác. Nhưng Chúa Giê-su đã đối xử nhân từ với bà. Ngài nói: “Hỡi con gái ta, đức-tin con đã cứu con; hãy đi cho bình-an và được lành bịnh”.—Mác 5:25-34.

Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su có quyền lực thay đổi lòng của con người, khiến họ noi gương ngài trong việc đối xử nhân từ với người khác. Vào dịp nọ, một người hỏi Chúa Giê-su về cách làm hài lòng Đức Chúa Trời. Ông ấy đã biết Đức Chúa Trời muốn chúng ta thương yêu người lân cận, nhưng lại hỏi Chúa Giê-su: “Ai là người lân-cận tôi?”.

Để trả lời, Chúa Giê-su kể minh họa về một người đàn ông đi từ thành Giê-ru-sa-lem đến Giê-ri-cô bị sa vào tay bọn cướp, rồi bị bỏ mặc “nửa sống nửa chết”. Một thầy tế lễ đi ngang qua, thấy người ấy nhưng tránh sang phía bên kia đường. Một người Lê-vi cũng qua đó, thấy rồi đi tiếp. Nhưng “một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương”. Ông rửa vết thương cho người bị nạn và mang đến một nhà trọ. Ông còn đưa tiền cho chủ nhà trọ để chăm sóc người đó. Rồi Chúa Giê-su hỏi: “Ai là lân-cận với kẻ bị cướp?”. Người đàn ông đã đặt câu hỏi với ngài trả lời: “Ấy là người đã lấy lòng thương-xót đãi người”. Chúa Giê-su khuyên: “Hãy đi, làm theo như vậy”.—Lu-ca 10:25-37.

Nhờ các dạy dỗ như thế, những người trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va đã biết trợ giúp người đồng loại. Thí dụ, trong cuốn sách Women in Soviet Prisons (Phụ nữ trong các nhà tù Xô Viết), tác giả người Latvia đã kể về khoảng thời gian bà bị đau ốm trong trại lao động khổ sai Potma vào giữa những năm 1960. Bà cho biết: “Trong suốt thời gian tôi bị bệnh, [các Nhân Chứng] đã tận tình chăm sóc tôi. Không có sự chăm sóc nào tận tình hơn”. Bà nói thêm: “Nhân Chứng Giê-hô-va xem việc giúp đỡ người đồng loại là bổn phận của họ, không phân biệt người đó thuộc tôn giáo hay quốc gia nào”.

Tại thị trấn Ancón thuộc Ecuador, khi một cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến vài Nhân Chứng Giê-hô-va bị mất việc và nguồn thu nhập, những anh em đồng đạo đã quyết định kiếm tiền giúp họ. Những anh em này chuẩn bị thức ăn để bán cho ngư dân đánh cá đêm trở về (hình bên phải). Mọi thành viên trong hội thánh, kể cả trẻ em, đều cùng tham gia. Họ bắt đầu lúc một giờ sáng để kịp nấu đồ ăn trước khi những ngư dân trở về lúc bốn giờ sáng. Sau đó, họ chia nhau số tiền thu được tùy theo nhu cầu của mỗi người.

Những câu chuyện trên chứng minh gương mẫu và sự dạy dỗ của Chúa Giê-su thật sự có quyền lực thay đổi lòng con người, thúc đẩy họ muốn giúp đỡ những ai khó khăn.

3. Chúa Giê-su có quyền lực thay đổi bản chất con người. Không thể phủ nhận là con người có khuynh hướng ích kỷ. Kinh Thánh gọi khuynh hướng này là tội lỗi. Ngay cả Phao-lô, một môn đồ của Chúa Giê-su cũng viết: “Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính-dấp theo tôi”. Ông nói thêm: “Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân-thể hay chết nầy? Cảm-tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus-Christ” (Rô-ma 7:21-25). Ở đây ông cho biết Đức Chúa Trời, thông qua Chúa Giê-su, sẽ giải thoát những người thờ phượng Ngài khỏi khuynh hướng tội lỗi, bao gồm cả tính ích kỷ là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự nghèo khổ. Điều này sẽ được thực hiện như thế nào?

Không lâu sau khi Chúa Giê-su bắt đầu thi hành sứ mệnh rao truyền tin mừng, ngài được gọi là “Đấng cất tội-lỗi thế-gian đi” (Giăng 1:29). Không lâu nữa, nhân loại sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, không còn khuynh hướng ích kỷ (Ê-sai 11:9). Vậy, căn nguyên của sự nghèo khổ đã được Chúa Giê-su loại bỏ.

Thật vui mừng khi biết rằng trong tương lai tất cả mọi người đều được ấm no! Kinh Thánh nói: “Ai nấy sẽ ngồi dưới cây nho mình và dưới cây vả mình, không ai làm cho lo-sợ” (Mi-chê 4:4). Những lời bóng bẩy này miêu tả khung cảnh tuyệt diệu mà con người sẽ hưởng trong tương lai. Lúc đó, chúng ta sẽ có sự an bình, công việc thỏa nguyện và vui hưởng cuộc sống mà không còn sự nghèo khổ. Những điều này sẽ mang lại vinh hiển cho Đức Giê-hô-va.