Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao đời sống dường như vô nghĩa?

Tại sao đời sống dường như vô nghĩa?

Tại sao đời sống dường như vô nghĩa?

Tại sao bạn nên tin rằng đời sống không chỉ là sự “hư-không mà loài người trải qua như bóng”, như vua Sa-lô-môn nói? (Truyền-đạo 6:12). Vì Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh, một nguồn đáng tin cậy, hứa rằng đời sống trong tương lai sẽ có ý nghĩa thật sự.—2 Ti-mô-thê 3:16, 17.

Kinh Thánh cho chúng ta biết ý định ban đầu của Đức Chúa Trời đối với trái đất là gì. Sách này cũng giải thích tại sao thế giới có đầy dẫy sự bất công, áp bức và khổ đau. Tại sao chúng ta cần hiểu những điều này? Vì nguyên nhân chính khiến người ta nghĩ đời sống hoàn toàn vô nghĩa là do họ không biết hoặc lờ đi ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất và nhân loại.

Ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất là gì?

Đức Giê-hô-va * tạo ra trái đất để làm địa đàng, tức một nơi lý tưởng cho nhân loại để họ có đời sống ý nghĩa và thỏa nguyện trong tình trạng hoàn hảo đến mãi mãi. Trái với sự thật căn bản này trong Kinh Thánh, nhiều người nghĩ Đức Chúa Trời tạo ra trái đất để thử thách con người, xem họ có xứng đáng nhận đời sống ý nghĩa hơn trong cõi vô hình không.—Xem khung  “Phải rời trái đất mới có đời sống ý nghĩa?” nơi trang 6.

Đức Chúa Trời tạo ra người đàn ông và đàn bà đầu tiên theo hình ảnh của Ngài, tức là có khả năng phản ánh các đức tính tuyệt vời của Ngài (Sáng-thế Ký 1:26, 27). Họ được tạo ra rất hoàn hảo. Họ có mọi thứ cần thiết để hưởng một đời sống ý nghĩa và thỏa nguyện mãi mãi trong một khu vườn gọi là Ê-đen. Điều đó bao gồm việc sinh con đẻ cái làm cho đầy dẫy đất, trông nom trái đất và làm cho hành tinh này trở thành địa đàng.—Sáng-thế Ký 1:28-31; 2:8, 9.

Chuyện gì đã xảy ra?

Rõ ràng, có chuyện gì đó rất nghiêm trọng đã xảy ra. Vì nhân loại nói chung không phản ánh các đức tính tuyệt vời của Đức Chúa Trời và trái đất không phải là địa đàng. Vậy đã có chuyện gì? Tổ phụ của chúng ta, ông A-đam và bà Ê-va, đã lạm dụng quyền tự do quyết định. Họ muốn được “như Đức Chúa Trời” là đề ra tiêu chuẩn về “điều thiện và điều ác”. Khi làm thế, họ theo đường lối phản nghịch của Sa-tan Ma-quỉ.—Sáng-thế Ký 3:1-6.

Như vậy, sự gian ác không phải là điều gì đó huyền bí mà Đức Chúa Trời định trước. Nó bắt đầu xuất hiện khi Sa-tan, sau đó là A-đam và Ê-va, nghịch lại sự cai trị của Đức Chúa Trời. Hậu quả là tổ phụ của chúng ta bị đuổi khỏi vườn Ê-đen và không còn hoàn hảo nữa. Họ mang tội lỗi và sự chết, không những thế mà họ còn truyền cho cả con cháu, bao gồm toàn thể nhân loại (Sáng-thế Ký 3:17-19; Rô-ma 5:12). Điều này dẫn đến những tình trạng khiến cho đời sống dường như rất vô nghĩa.

Tại sao không xóa bỏ sự gian ác ngay lập tức?

Một số người thắc mắc: “Tại sao Đức Chúa Trời không xóa bỏ sự gian ác ngay lập tức bằng cách đơn giản là tiêu diệt Sa-tan và những kẻ phản loạn, rồi làm lại từ đầu?”. Nhưng liệu điều đó có khôn ngoan không? Bạn phản ứng ra sao nếu nghe nói rằng một chính phủ hùng mạnh ban lệnh xử tử ngay lập tức bất cứ người nào chống lại uy quyền của họ? Chẳng phải làm thế chỉ khiến người ngay thẳng xa lánh và coi thường chính phủ ấy hay sao?

Đức Chúa Trời quyết định không diệt những kẻ phản nghịch ngay lập tức. Ngài khôn ngoan cho thời gian để vấn đề xảy ra trong vườn Ê-đen, liên quan đến đường lối cai trị của Ngài, được giải quyết một lần cho mãi mãi.

Xóa bỏ mọi sự gian ác

Điều quan trọng cần nhớ là: Đức Chúa Trời để cho sự gian ác xảy ra trong một thời gian có hạn định. Ngài làm thế vì biết mình có khả năng xóa sạch mọi hậu quả đau buồn do nó gây ra. Ngài sẽ thực hiện điều đó khi vấn đề nghiêm trọng xảy ra trong vườn Ê-đen đã được giải quyết.

Đức Chúa Trời không từ bỏ ý định của Ngài đối với trái đất và nhân loại. Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va đảm bảo với chúng ta rằng Ngài dựng nên trái đất, “chẳng phải dựng nên là trống-không, bèn đã làm nên để dân ở” (Ê-sai 45:18). Không lâu nữa, Ngài sẽ làm cho trái đất trở lại tình trạng lý tưởng như ý định ban đầu của Ngài. Sau khi đường lối cai trị của Đức Chúa Trời hoàn toàn được biện minh, Ngài sẽ dùng quyền năng vô song để thực thi ý định và xóa sạch sự gian ác (Ê-sai 55:10, 11). Trong lời cầu nguyện mẫu, Chúa Giê-su cũng cầu xin Đức Chúa Trời thực hiện điều này. Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện: “Ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Điều đó có nghĩa gì?

Ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất

Một điều nằm trong ý định đó là “người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp” (Thi-thiên 37:9-11, 29; Châm-ngôn 2:21, 22). Chúa Giê-su “sẽ giải kẻ thiếu-thốn khi nó kêu-cầu, và cứu người khốn-cùng”. Ngài sẽ giải cứu họ “khỏi sự hà-hiếp và sự hung-bạo” (Thi-thiên 72:12-14). Chiến tranh sẽ không còn, sự chết, than khóc, đau khổ sẽ qua đi (Thi-thiên 46:9; Khải-huyền 21:1-4). Nhiều người chết trong thời kỳ Đức Chúa Trời để cho sự gian ác xảy ra sẽ được sống lại trên đất và có cơ hội hưởng những ân phước kể trên, cũng như nhiều điều tuyệt vời khác.—Giăng 5:28, 29.

Thật vậy, Đức Giê-hô-va sẽ xóa bỏ những thiệt hại do sự phản nghịch mà Sa-tan gây ra. Ngài sẽ thực hiện điều đó một cách hoàn toàn đến mức “những nỗi gian truân thời trước [mọi điều gây đau đớn và sầu khổ ngày nay] sẽ chìm vào quên lãng” (Ê-sai 65:16-19, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Tương lai đó là chắc chắn vì Đức Chúa Trời không hề nói dối. Mọi lời hứa của Ngài sẽ thành hiện thực. Đời sống sẽ không còn “hư-không, theo luồng gió thổi” nữa (Truyền-đạo 2:17). Thay vì thế, chúng ta sẽ có đời sống tràn đầy ý nghĩa.

Nhưng ngay bây giờ thì sao? Sự hiểu biết về Kinh Thánh và ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất có thể giúp đời sống hiện tại của bạn có ý nghĩa thật sự không? Bài cuối trong loạt bài này sẽ thảo luận câu hỏi ấy.

[Chú thích]

^ đ. 5 Trong Kinh Thánh, Giê-hô-va là danh của Đức Chúa Trời.

[Khung nơi trang 6]

 Phải rời trái đất mới có đời sống ý nghĩa?

Trong nhiều thế kỷ, những người không biết ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất đã dạy là chúng ta phải rời trái đất mới có đời sống ý nghĩa thật sự.

Cuốn Tân từ điển thần học (New Dictionary of Theology) cho biết một số người đã nói linh hồn “tồn tại ở một thể cao hơn trước khi vào thể xác con người”. Số khác cho rằng linh hồn “bị giam cầm trong thể xác như một hình phạt vì những tội lỗi đã phạm khi còn ở trên trời”.​—Bách khoa từ điển văn chương Kinh Thánh, thần học và giáo hội (Cyclopedia of Biblical, Theological, and Ecclesiastical Literature).

Những triết gia Hy Lạp, như Socrates và Plato, dạy như sau: Chỉ khi linh hồn ra khỏi thể xác giới hạn của con người, “nó mới thoát khỏi cảnh sống không định hướng, dại dột, lo sợ, ham muốn và các vấn đề khác của loài người” để đến “hòa nhập với các thần mãi mãi”.​—Plato’s Phaedo, 81, A.

Sau này, các nhà lãnh đạo tôn giáo tự nhận là theo Đấng Christ đã đưa “các thuyết linh hồn bất tử” của những triết gia Hy Lạp vào sự dạy dỗ của họ.​—Christianity​—A Global History.

Hãy đối chiếu những quan niệm trên với ba sự thật căn bản sau đây trong Kinh Thánh:

1. Một điều trong ý định của Đức Chúa Trời là làm trái đất mãi là ngôi nhà cho nhân loại, chứ không phải là nơi tạm thời để thử thách xem họ có xứng đáng lên trời sống hay không. Nếu A-đam và Ê-va vâng lời Đức Chúa Trời thì bây giờ họ vẫn sống trong địa đàng.​—Sáng-thế Ký 1:​27, 28; Thi-thiên 115:16.

2. Hầu hết các tôn giáo dạy rằng con người linh hồn, một phần vô hình ngự trong thể xác. Tuy nhiên, Kinh Thánh dạy con người “linh hồn sống” được nắn lên “từ bụi đất” (Sáng-thế Ký 2:7, Bản Dịch Mới). Hơn nữa, Kinh Thánh không bao giờ miêu tả linh hồn là bất tử. Kinh Thánh cho biết linh hồn có thể bị hủy diệt hoặc chết, tức là không tồn tại nữa (Thi-thiên 146:4; Truyền-đạo 9:​5, 10; Ê-xê-chi-ên 18:​4, 20). Rõ ràng, linh hồn đầu tiên là A-đam đã chết và trở về bụi đất, về tình trạng trước khi ông hiện hữu.​—Sáng-thế Ký 2:​17; 3:​19.

3. Hy vọng của nhân loại về tương lai không phụ thuộc vào việc có linh hồn bất tử và nó đi đến một cõi vô hình nào đó, nhưng phụ thuộc vào lời Đức Chúa Trời hứa là sẽ làm cho người chết sống lại trong địa đàng.​—Đa-ni-ên 12:13; Giăng 11:​24-​26; Công-vụ 24:15.