Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phép lạ có thể xảy ra không?—Ba ý kiến phản bác thông thường

Phép lạ có thể xảy ra không?—Ba ý kiến phản bác thông thường

Phép lạ có thể xảy ra không?​—Ba ý kiến phản bác thông thường

Ý KIẾN 1: Những phép lạ không thể xảy ra vì chúng vi phạm các quy luật tự nhiên. Sự hiểu biết của chúng ta về các quy luật tự nhiên đều dựa vào những gì xảy ra trong thiên nhiên mà nhà khoa học quan sát được. Tuy thế, các quy luật ấy cũng tương tự như những quy luật ngữ pháp của một ngôn ngữ—có thể có một số ngoại lệ. Sự hiểu biết của chúng ta về “các quy luật” này có thể rất giới hạn (Gióp 38:4). Một nhà khoa học nhiệt huyết dành trọn đời để tìm hiểu về một quy luật trong thiên nhiên. Nhưng chỉ vì một “ngoại lệ” mà ông phải xem lại sự hiểu biết của mình về quy luật đó. Thế nên mới có câu: “Chỉ vì một con ngỗng đen mà hủy hoại thuyết cho rằng mọi con ngỗng đều trắng”.

Một truyện cười minh họa cho việc thật dễ có ý kiến riêng nếu dựa vào những thông tin không đầy đủ. John Locke (1632-1704) đã kể lại câu chuyện về sứ giả nước Hà Lan và vua nước Xiêm: Khi miêu tả về đất nước mình cho nhà vua, vị sứ giả nói là đôi khi một con voi có thể đi trên mặt nước. Nhà vua bác bỏ điều đó vì nghĩ rằng vị sứ giả đã bốc phét. Thế nhưng, vị sứ giả chỉ miêu tả một điều vượt quá tầm hiểu biết của vua. Nhà vua không biết rằng khi nước đóng thành băng thì có thể chịu được sức nặng của một con voi. Nhà vua thấy chuyện đó vô lý vì ông không biết hết mọi thông tin.

Hãy xem thêm một số thành tựu hiện đại mà chỉ vài thập kỷ trước từng là chuyện không tưởng:

● Một máy bay chở hơn 800 hành khách bay thẳng từ New York tới Singapore với vận tốc 900km/giờ.

● Họp trực tuyến cho phép người từ các châu lục khác nhau tham gia trao đổi trực diện.

● Hàng ngàn bài hát được lưu vào một thiết bị nhỏ hơn hộp diêm.

● Các bác sĩ phẫu thuật ghép tim và các bộ phận khác của cơ thể.

Chúng ta có thể rút ra kết luận hợp lý nào từ những việc trên? Đó là: Nếu con người có thể đạt được những thành tựu to lớn mà chỉ vài năm trước tưởng chừng là viển vông thì chắc chắn Đức Chúa Trời, đấng đã dựng nên vũ trụ và muôn vật trong đó, có thể thực hiện những việc phi thường mà chúng ta chưa hiểu hết hoặc không bắt chước ngay được *.—Sáng-thế Ký 18:14; Ma-thi-ơ 19:26.

Ý KIẾN 2: Kinh Thánh cậy vào những phép lạ để người ta tin theo. Kinh Thánh không hề nói phải tin mọi phép lạ. Ngược lại thì đúng hơn. Kinh Thánh cảnh báo chúng ta phải rất cẩn thận khi tin vào những phép lạ và dấu huyền bí. Hãy chú ý đến lời cảnh báo rõ ràng: “Người Tội ác đến, dùng quyền năng Sa-tan lừa dối mọi người bằng đủ thứ phép lạ, dấu lạ và việc lạ. Nó dùng mọi thủ đoạn gian ác lừa gạt những người sắp bị diệt vong, vì họ không chịu tiếp nhận và yêu chuộng chân lý để được cứu rỗi”.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9, 10, Bản Diễn Ý.

Chúa Giê-su cũng cảnh báo rằng nhiều người tự xưng theo ngài nhưng lại không phải là môn đồ chân chính của ngài. Có người còn nói với ngài: “Lạy Chúa, lạy Chúa, chẳng phải chúng tôi đã nhân danh ngài mà nói tiên tri, nhân danh ngài mà đuổi ác thần, và nhân danh ngài mà làm nhiều phép lạ sao?” (Ma-thi-ơ 7:22). Nhưng Chúa Giê-su nói là ngài không chấp nhận những kẻ đó làm môn đồ (Ma-thi-ơ 7:23). Rõ ràng, Chúa Giê-su không dạy rằng mọi phép lạ đều đến từ Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời không bảo người thờ phượng ngài chỉ cần đặt đức tin dựa trên phép lạ. Thay vì thế, đức tin nên được lập vững chắc dựa trên những sự thật.—Hê-bơ-rơ 11:1.

Chẳng hạn, chúng ta hãy xem xét một trong những phép lạ nổi tiếng trong Kinh Thánh là sự sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô. Nhiều năm sau sự kiện ấy, một số tín đồ ở thành Cô-rinh-tô bắt đầu thắc mắc liệu Chúa Giê-su đã sống lại hay không. Làm thế nào sứ đồ Phao-lô có thể giúp những tín đồ ấy? Phải chăng ông chỉ nói: “Phải có đức tin nhiều hơn”? Không. Hãy chú ý lời ông nhắc họ về những sự thật đã được xác minh. Ông khẳng định là Chúa Giê-su “đã được chôn cất, được sống lại vào ngày thứ ba theo lời Kinh Thánh, hiện ra với Sê-pha rồi với mười hai sứ đồ. Sau đó, ngài hiện ra với hơn năm trăm anh em cùng một lúc;... phần lớn hiện giờ vẫn còn sống”.—1 Cô-rinh-tô 15:4-8.

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có cần phải tin vào phép lạ ấy không? Phao-lô nói tiếp: “Nếu Đấng Ki-tô không được sống lại, công việc rao giảng của chúng ta là vô ích, cả đức tin của chúng ta cũng vậy” (1 Cô-rinh-tô 15:14). Phao-lô không xem nhẹ vấn đề. Mọi người phải hiểu là sự sống lại của Chúa Giê-su hoặc đã xảy ra hoặc không! Và Phao-lô biết chuyện đó đã thật sự xảy ra vì lời chứng của hàng trăm người tận mắt chứng kiến, là những người lúc ấy vẫn còn sống. Sự thật là những nhân chứng ấy thà chết còn hơn là phủ nhận những gì họ đã thấy.—1 Cô-rinh-tô 15:17-19.

Ý KIẾN 3: Phép lạ chỉ là hiện tượng tự nhiên bị người ít học hiểu lầm. Một số học giả cố giải thích những phép lạ trong Kinh Thánh chỉ là hiện tượng tự nhiên chứ không có sự can thiệp của thần thánh nào cả. Họ cảm thấy điều này khiến những lời tường thuật trong Kinh Thánh đáng tin hơn. Dù hiện tượng tự nhiên có thể được liên kết với một số phép lạ—chẳng hạn như động đất, lở đất và dịch bệnh—thì những lời giải thích này có một điểm chung. Chúng đều bỏ qua thời điểm xảy ra phép lạ như được ghi lại trong Kinh Thánh.

Ví dụ, một số người biện luận rằng tai họa đầu tiên giáng trên xứ Ê-díp-tô, biến sông Ni-lơ thành máu, thật ra là kết quả của sự xói mòn lớp đất đỏ, cuốn theo những sinh vật đỏ gọi là trùng roi xuống sông Ni-lơ. Dù vậy, Kinh Thánh nói là sông biến thành máu, chứ không phải bùn đỏ. Nếu đọc kỹ Xuất Ê-díp-tô Ký 7:14-21, chúng ta sẽ thấy là phép lạ xảy ra vào thời điểm A-rôn đập gậy xuống sông Ni-lơ theo lời Môi-se. Cho dù sự biến đổi của con sông là hiện tượng tự nhiên đi nữa thì việc nó xảy ra đúng ngay thời điểm đập gậy vẫn là một phép lạ!

Thêm một ví dụ nữa về tầm quan trọng của thời điểm xảy ra phép lạ. Hãy xem điều gì xảy ra khi dân Y-sơ-ra-ên sắp vào Đất Hứa. Họ rơi vào ngõ cụt tại sông Giô-đanh vào lúc nước dâng cao. Kinh Thánh cho chúng ta biết chuyện xảy ra tiếp đó: “Khi các người khiêng hòm đến sông Giô-đanh, và chân của những thầy tế-lễ khiêng hòm mới bị ướt nơi mé nước, thì nước ở trên nguồn thường chảy xuống bèn dừng lại, dồn thành một đống, xa ra một khoảng đến thành A-đam” (Giô-suê 3:15, 16). Phải chăng đây là kết quả của một trận động đất hoặc lở đất? Lời tường thuật không cho biết. Nhưng thời điểm xảy ra quả là một phép lạ. Chuyện đó xảy ra đúng lúc mà Đức Giê-hô-va phán là sẽ xảy ra.—Giô-suê 3:7, 8, 13.

Vậy, những chuyện như thế có phải là phép lạ hay không? Kinh Thánh bảo là phải. Theo những gì Kinh Thánh cho biết, đây không chỉ là những hiện tượng tự nhiên. Thế thì có hợp lý nếu nói chúng là chuyện không tưởng chỉ vì thường ngày chúng không xảy ra?

[Chú thích]

^ đ. 9 Nếu bạn thắc mắc về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, xin xem sách mỏng Thượng Đế có thật sự quan tâm đến chúng ta không? Sự sống—Do sáng tạo? hoặc hỏi người đã đưa bạn tạp chí này để biết thêm thông tin.

[Hình nơi trang 5]

Chỉ vài thập kỷ trước, nhiều người không tin là con người có thể bay hàng trăm cây số một giờ