Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thomas Emlyn—Người báng bổ hay bênh vực sự thật?

Thomas Emlyn—Người báng bổ hay bênh vực sự thật?

Thomas Emlyn là ai và điều gì đã thúc đẩy ông đứng ra bênh vực sự thật? Ngày nay, chúng ta có thể học được gì từ ông?

Để trả lời những câu hỏi trên, chúng ta hãy cùng trở lại những năm cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 ở Anh Quốc và Ai Len. Giáo hội Anh Giáo lúc ấy nắm quyền lực đáng kể. Một số giáo phái Tin Lành và cá nhân xung đột với giáo hội về giáo lý và thực hành.

ÔNG LÀ AI?

Trong hoàn cảnh ấy, Thomas Emlyn ra đời vào ngày 27-5-1663 tại Stamford, Lincolnshire, Anh Quốc. Năm 19 tuổi, ông trình bày bài giảng giáo lý đầu tiên. Sau đó, ông trở thành mục sư riêng (Giáo hội Trưởng Lão) cho một nữ bá tước ở Luân Đôn, rồi một thời gian sau, ông chuyển đến Belfast, Ai Len.

Sau này, ở Belfast, ông cử hành lễ trong một nhà thờ địa phương. Với thời gian, Emlyn làm mục sư ở một số nơi, trong đó có Dublin.

TẠI SAO ÔNG BỊ CÁO BUỘC LÀ NÓI NHỮNG LỜI BÁNG BỔ?

Trong thời gian đó, Emlyn nghiên cứu kỹ lưỡng Kinh Thánh. Những gì học được khiến ông nghi ngờ thuyết Chúa Ba Ngôi, điều ông tin bấy lâu. Khi nghiên cứu các sách Phúc âm, ông tin chắc rằng những sách này ủng hộ sự hiểu biết mà ông mới khám phá ra.

Emlyn không nói ra ngay những gì ông phát hiện được. Tuy nhiên, một số thành viên trong nhà thờ ở Dublin để ý thấy ông không nhắc đến Chúa Ba Ngôi trong các bài giảng nữa. Biết rằng những khám phá của mình sẽ không được người khác hưởng ứng, ông viết: “Tôi không hy vọng giữ được vị trí hiện tại một khi thú nhận sự thật”. Vào tháng 6 năm 1702, hai mục sư khác trong nhà thờ chất vấn ông về việc loại bỏ thuyết Chúa Ba Ngôi ra khỏi các bài giảng. Emlyn thừa nhận là mình không còn tin vào thuyết Chúa Ba Ngôi nữa và xin từ chức.

Đây là tài liệu mà Emlyn đưa ra bằng chứng dựa trên Kinh Thánh cho thấy Chúa Giê-su không thể là Đức Chúa Trời Tối Cao

Vài ngày sau, ông rời Dublin, Ai Len để về Anh Quốc. Tuy nhiên, mười tuần sau, ông trở lại Dublin để thu xếp vài công việc, với mục tiêu về hẳn Luân Đôn. Trong thời gian ở đó, ông xuất bản sách An Humble Inquiry Into the Scripture-Account of Jesus Christ với hy vọng biện minh cho quan điểm của mình. Trong sách này, ông đưa ra bằng chứng rõ ràng từ Kinh Thánh để chứng minh tại sao Chúa Giê-su không thể là Đức Chúa Trời Tối Cao. Điều này gây phẫn nộ cho các thành viên trong hội thánh ở Dublin mà trước đây Emlyn phục vụ. Họ điền đơn cáo tố ông.

Emlyn bị bắt và bị đưa đến Toà án Nữ hoàng ở Dublin vào ngày 14-6-1703. Trong sách True Narrative of the Proceedings do ông viết, Emlyn cho biết ông bị kết tội là “viết và xuất bản cuốn sách chứa đựng những lời báng bổ và hiểm độc, nói rằng Chúa Giê-su Ki-tô không ngang hàng với Đức Chúa Cha”. Kết quả của vụ xét xử đã được định đoạt trước đó. Ngồi cùng với các quan tòa là bảy  giám mục của Giáo hội Ai Len. Emlyn không được phép lên tiếng. Richard Levins, một luật sư có danh tiếng, nói với Emlyn rằng ông không có quyền biện hộ cho mình. Ở cuối phiên tòa, Richard Pyne, Chánh án Tòa án Tối cao Ai Len nói bóng gió với hội đồng xét xử rằng các giám mục cũng có mặt tại đó, nếu họ không đưa ra phán quyết như đã được định sẵn thì có thể phải chịu hình phạt nghiêm khắc.

“Tôi chịu ngược đãi vì điều tôi tin là sự thật về ngài [Đức Chúa Trời] và sự vinh hiển thuộc về ngài”.—Thomas Emlyn

Khi Emlyn bị kết án là có tội, một cố vấn pháp luật yêu cầu Emlyn rút lại những lời tuyên bố của mình. Emlyn từ chối. Ông bị phạt tiền và lãnh án một năm tù. Tuy nhiên, vì không thể trả tiền phạt, ông phải ở tù hai năm cho đến khi được một người bạn xin chính quyền giảm mức phạt. Emlyn được thả vào ngày 21-7-1705. Về những nhục nhã mình phải chịu, ông tuyên bố những lời được trích nơi đầu bài: “Tôi chịu ngược đãi vì điều tôi tin là sự thật về [Đức Chúa Trời] và sự vinh hiển thuộc về ngài”.

Emlyn về Luân Đôn, nơi sau này ông cộng tác với William Whiston, cũng là một học giả Kinh Thánh bị tẩy chay vì phát hành tài liệu về những điều ông cảm thấy là sự thật Kinh Thánh. Whiston đánh giá cao Emlyn, gọi ông là “người đi đầu và chủ chốt trong việc nói ra niềm tin của ‘tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu’”.

TẠI SAO ÔNG BÁC BỎ THUYẾT CHÚA BA NGÔI?

Giống như William Whiston và một học giả đáng kính khác là Isaac Newton, Emlyn nhận ra Kinh Thánh không ủng hộ giáo lý Chúa Ba Ngôi như được dạy trong sách Athanasian Creed. Ông giải thích: “Sau khi suy nghĩ thấu đáo và nghiên cứu Kinh Thánh... tôi đã tìm ra lý do xác đáng... để thay đổi cái nhìn của mình liên quan đến quan niệm phổ biến bấy lâu về thuyết Chúa Ba Ngôi”. Ông kết luận rằng “chỉ duy nhất Đức Chúa Trời, Cha của Chúa Giê-su Ki-tô, là Đấng Tối Cao”.

Điều gì khiến Emlyn đi đến kết luận đó? Ông tìm thấy nhiều câu Kinh Thánh chỉ ra sự khác biệt giữa Chúa Giê-su và Cha ngài. Dưới đây là một số ví dụ (lời bình luận của Emlyn về câu Kinh Thánh được in nghiêng):

  •  Giăng 17:3: “Đấng Ki-tô không bao giờ được gọi là Đức Chúa Trời”. Chỉ một mình Cha được gọi là “Đức Chúa Trời có thật và duy nhất”.

  •  Giăng 5:30: “Con không làm theo ý riêng, nhưng theo ý của Cha”.

  •  Giăng 5:26: “Con nhận được quyền năng ban sự sống từ Cha”.

  •  Ê-phê-sô 1:3: “Trong khi Chúa Giê-su Ki-tô thường được gọi là Con của Đức Chúa Trời, chúng ta không bao giờ tìm được chỗ nào gọi Cha là Cha của Đức Chúa Trời, mặc dù ngài thường được gọi là Cha của Chúa Giê-su”.

Sau khi xem xét mọi bằng chứng, Emlyn tuyên bố hùng hồn: “Không một câu nào trong Kinh Thánh cho thấy Cha, Con và Thánh Thần là một và có đồng bản thể”.

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ?

Nhiều người ngày nay lùi bước, không dám đứng ra bênh vực cho những điều Kinh Thánh dạy. Nhưng Emlyn sẵn sàng làm thế. Ông nêu lên một câu hỏi: “Nếu một người không thể nói ra sự thật quan trọng nhất, mà mình đã tìm được bằng chứng rõ ràng trong Kinh Thánh, thì rốt cuộc người ấy đọc và nghiên cứu Kinh Thánh để làm gì?”. Emlyn không thỏa hiệp sự thật.

Gương của Emlyn và những người khác thúc đẩy chúng ta tự xét xem mình có sẵn sàng đứng ra bênh vực sự thật ngay cả khi bị miệt thị không. Chúng ta cũng có thể tự hỏi: “Điều nào quan trọng hơn—được cộng đồng coi trọng và chấp nhận hay bảo vệ sự thật trong Lời Đức Chúa Trời?”.