HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ | TI-MÔ-THÊ
“Con yêu dấu và trung thành của tôi trong Chúa”
Ti-mô-thê sải bước trên con đường rời xa ngôi nhà của mình, cặp mắt chàng háo hức chăm chú về phía trước. Những người bạn đồng hành dẫn Ti-mô-thê băng qua những cánh đồng mà chàng rất đỗi quen thuộc. Sau lưng chàng, thành phố Lít-trơ nằm trên một ngọn đồi trong thung lũng chầm chậm lùi xa dần. Ti-mô-thê mỉm cười khi nghĩ đến mẹ và bà ngoại, họ nở nụ cười trong niềm tự hào và cố giấu những giọt nước mắt khi tiễn chàng đi. Chàng có nên quay lại và vẫy chào lần cuối không?
Thỉnh thoảng sứ đồ Phao-lô quay sang nhìn Ti-mô-thê và mỉm cười khích lệ. Ông biết Ti-mô-thê vẫn còn một chút e ngại nhưng ông rất vui khi nhìn thấy sự nhiệt tình của chàng trai này. Ti-mô-thê còn khá trẻ, có lẽ chỉ khoảng trên dưới 20 tuổi và chàng vô cùng ngưỡng mộ cũng như yêu mến Phao-lô. Giờ đây, Ti-mô-thê đang đi theo người đàn ông trung thành, năng động này trong một chuyến hành trình sẽ khiến chàng phải xa nhà hàng trăm dặm. Họ sẽ đi bộ, đi tàu và phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy trên đường. Ti-mô-thê không chắc liệu chàng có bao giờ nhìn thấy ngôi nhà của mình nữa không.
Điều gì đã khiến chàng trai trẻ theo đuổi một lối sống như thế? Phần thưởng nào xứng đáng với sự hy sinh lớn lao đó? Đức tin của Ti-mô-thê có thể ảnh hưởng đến đức tin của mỗi chúng ta như thế nào?
“TỪ THUỞ THƠ ẤU”
Chúng ta hãy đi ngược lại thời gian hai hoặc ba năm trước đó ở thành Lít-trơ, rất có thể là quê nhà của Ti-mô-thê. Đó là một thị trấn nhỏ, đơn sơ mộc mạc trong một thung lũng xanh tươi và hẻo lánh. Người dân ở đó hẳn hiểu tiếng Hy Lạp, nhưng vẫn dùng tiếng địa phương là Li-cao-ni. Một ngày nọ, thị trấn yên bình bỗng trở nên náo nhiệt. Hai giáo sĩ của đạo Đấng Ki-tô là sứ đồ Phao-lô cùng bạn đồng hành là Ba-na-ba đã đến từ Y-cô-ni, một thành phố lớn hơn ở gần đó. Trong khi họ đang rao giảng trước công chúng, Phao-lô gặp một người đàn ông què biểu lộ những bằng chứng của đức tin thật. Vì vậy, Phao-lô đã thực hiện một phép lạ và chữa lành cho người đàn ông đó!—Công vụ 14:5-10.
Nhiều người dân ở Lít-trơ có lẽ tin vào truyền thuyết về những vị thần giả dạng con người đã từng đến đây vào thời xưa. Vì vậy, họ lầm tưởng Phao-lô là thần Héc-mê còn Ba-na-ba là thần Dớt! Khó khăn lắm hai môn đồ khiêm nhường này mới ngăn cản được đám đông dâng lễ vật cho mình.—Công vụ 14:11-18.
Tuy nhiên, đối với một số người ở Lít-trơ, đây không phải là chuyến thăm của những vị thần trong thần thoại ngoại giáo mà là một điều gì đó có thật và kỳ diệu. Chẳng hạn, Ơ-nít, một phụ nữ Do Thái và là vợ của một người Hy Lạp không tin đạo, * cùng với mẹ bà là Lô-ít, chắc chắn đã lắng nghe Phao-lô và Ba-na-ba một cách rất háo hức và vui mừng. Cuối cùng thì họ cũng đã được nghe tin mừng mà mỗi người Do Thái trung thành đều khát khao chờ đợi từ bấy lâu, đó là Đấng Mê-si đã đến và làm ứng nghiệm nhiều lời tiên tri về ngài trong Kinh Thánh!
Hãy tưởng tượng chuyến viếng thăm của Phao-lô đã ảnh hưởng thế nào đến Ti-mô-thê. Vì được dạy dỗ “từ thuở thơ ấu”, chàng yêu thích phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ (2 Ti-mô-thê 3:15). Cũng như mẹ và bà ngoại, chàng có thể thấy những gì Phao-lô và Ba-na-ba đang nói về Đấng Mê-si là sự thật. Cũng hãy nghĩ về người đàn ông què mà Phao-lô đã chữa lành. Từ nhỏ, có lẽ Ti-mô-thê đã nhiều lần nhìn thấy người đàn ông ấy trên đường phố Lít-trơ. Giờ đây lần đầu tiên chàng chứng kiến cảnh ông đi được! Không lạ gì khi Ơ-nít và Lô-ít đã trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, và Ti-mô-thê cũng vậy. Ngày nay, các bậc ông bà cha mẹ có thể học được nhiều điều từ Ơ-nít và Lô-ít. Bạn có thể nêu gương tốt cho thế hệ trẻ không?
“TRẢI QUA NHIỀU GIAN KHỔ”
Những người trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô ở Lít-trơ hẳn phải vô cùng hào hứng khi được biết về hy vọng dành cho các môn đồ của Chúa Giê-su. Nhưng họ cũng biết rằng để làm môn đồ ngài, họ phải đánh đổi nhiều thứ. Những kẻ chống đối cuồng tín người Do Thái từ Y-cô-ni và An-ti-ốt đã đến thành phố xúi giục người dân nhẹ dạ chống lại Phao-lô và Ba-na-ba. Đám đông hung bạo nhanh chóng tìm bắt Phao-lô và ném đá ông. Bị ném tới tấp, ông ngã xuống đất. Đám đông kéo ông ra khỏi thành phố và bỏ mặc ông nằm chết.—Công vụ 14:19.
Tuy nhiên, các môn đồ ở Lít-trơ đến xúm lại quanh Phao-lô. Hẳn họ cảm thấy nhẹ nhõm thế nào khi ông cử động, đứng dậy và dũng cảm quay trở lại thành Lít-trơ ngay lập tức! Ngày hôm sau, ông và Ba-na-ba đi đến thành Đẹt-bơ để tiếp tục công việc rao giảng. Sau khi giúp nhiều người ở đó trở thành môn đồ, một lần nữa hai ông bất chấp nguy hiểm để quay lại Lít-trơ. Với mục tiêu nào? Lời tường thuật cho biết: “Họ làm các môn đồ... vững lòng, khuyến giục mọi người giữ vững đức tin”. Hãy tưởng tượng chàng Ti-mô-thê trẻ tuổi đang lắng nghe với cặp mắt mở to khi Phao-lô và Ba-na-ba dạy các tín đồ ở đó rằng hy vọng về tương lai tươi sáng hoàn toàn xứng đáng với cái giá phải trả trong hiện tại. Hai ông nói: “Chúng ta phải trải qua nhiều gian khổ mới vào được Nước Đức Chúa Trời”.—Công vụ 14:20-22.
Ti-mô-thê đã chứng kiến Phao-lô sống đúng với những lời đó khi dũng cảm đối mặt với hoạn nạn để chia sẻ tin mừng cho mọi người. Vì vậy, Ti-mô-thê biết rằng nếu chàng noi gương Phao-lô, người dân ở Lít-trơ sẽ chống lại chàng, và cha của chàng có lẽ cũng thế. Nhưng Ti-mô-thê sẽ không để cho những áp lực đó ảnh hưởng đến quyết định của chàng về việc phụng sự Đức Chúa Trời. Ngày nay, có nhiều người trẻ như Ti-mô-thê. Họ khôn ngoan tìm kiếm những người bạn có đức tin mạnh, những người sẽ khích lệ và giúp họ vững vàng. Và họ không để cho sự chống đối khiến mình chối bỏ Đức Chúa Trời!
“ANH EM... ĐỀU NÓI TỐT VỀ ANH”
Như đã đề cập ở trên, chuyến thăm tiếp theo của Phao-lô có lẽ diễn ra hai hoặc ba năm sau đó. Hãy tưởng tượng cả nhà Ti-mô-thê phấn khởi thế nào khi Phao-lô đến, lần này có Si-la đi cùng. Phao-lô cũng rất vui mừng. Ông có thể tận mắt nhìn thấy những hạt giống sự thật mà ông đã gieo ở Lít-trơ lớn lên như thế nào. Lô-ít và con gái bà là Ơ-nít giờ đây đã là những nữ tín đồ trung thành, tràn đầy “đức tin chân thật”, điều mà Phao-lô hết sức ngưỡng mộ (2 Ti-mô-thê 1:5). Còn về chàng Ti-mô-thê trẻ tuổi thì sao?
Phao-lô nhận thấy rằng chàng trai trẻ đã thành thục hơn rất nhiều kể từ chuyến thăm trước. “Anh em... đều nói tốt” về Ti-mô-thê, không chỉ ở thành Lít-trơ mà cả ở thành Y-cô-ni cách đó khoảng 32km về hướng đông bắc (Công vụ 16:2). Làm thế nào chàng đã tạo dựng được một danh tiếng như thế?
Kinh Thánh mà mẹ và bà ngoại đã dạy Ti-mô-thê “từ thuở thơ ấu” chứa đựng những lời khuyên đáng tin cậy và thực tế dành cho những người trẻ (2 Ti-mô-thê 3:15). Đây là một ví dụ: “Trong buổi còn thơ-ấu hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa ngươi” (Truyền-đạo 12:1). Sau khi trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, Ti-mô-thê càng hiểu sâu sắc hơn nữa ý nghĩa của những lời này. Chàng nhận ra rằng một trong những cách tốt nhất để tưởng nhớ đến Đấng Tạo Hóa là chia sẻ tin mừng về Con của ngài là Đấng Ki-tô. Ti-mô-thê dần học được cách vượt qua bất kỳ sự nhút nhát nào cản trở chàng can đảm nói với người khác tin mừng về Chúa Giê-su Ki-tô.
Những anh dẫn đầu trong các hội thánh để ý thấy sự tiến bộ của Ti-mô-thê. Hẳn họ vô cùng cảm động khi thấy chàng trai trẻ khích lệ và củng cố mọi người xung quanh mình. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là Đức Giê-hô-va đã để ý đến Ti-mô-thê. Ngài đã soi dẫn một số lời tiên tri về Ti-mô-thê, có lẽ liên quan đến hình thức phụng sự mà sau này chàng sẽ thực hiện cho nhiều hội thánh. Khi Phao-lô đến, ông nhận thấy Ti-mô-thê có thể là một người bạn đồng hành hữu ích trong các chuyến hành trình truyền giáo. Các anh ở thành Lít-trơ đồng ý. Họ đặt tay lên chàng trai, một hành động tượng trưng cho việc chàng được giao một trách nhiệm đặc biệt trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.—1 Ti-mô-thê 1:18; 4:14.
Không khó để hình dung Ti-mô-thê kinh ngạc và thấy mình thật nhỏ bé trước sự tin tưởng và trách nhiệm lớn lao này. Chàng đã sẵn sàng để lên đường. * Tuy nhiên, người cha không tin đạo của Ti-mô-thê sẽ phản ứng thế nào trước quyết định của con trai mình là trở thành một người truyền giáo lưu động của đạo Đấng Ki-tô? Có lẽ điều này hoàn toàn khác xa với những dự tính của ông về tương lai của con mình. Còn về mẹ và bà ngoại của Ti-mô-thê thì sao? Gương mặt của họ có ánh lên niềm tự hào trong khi cố giấu đi nỗi lo lắng cho sự an toàn của chàng trai trẻ không? Điều đó hoàn toàn tự nhiên.
Một điều chắc chắn là Ti-mô-thê đã lên đường. Vào buổi sáng được mô tả trong phần mở đầu của bài này, chàng đã bắt đầu cuộc đời truyền giáo lưu động với sứ đồ Phao-lô. Khi bỏ lại thành Lít-trơ ở phía sau, mỗi tiếng lộp cộp của những viên sỏi dưới giày chàng, mỗi tiếng sột soạt của cây cỏ mà chàng giẫm lên là một bước rời xa ngôi nhà để đến một nơi xa lạ. Sau một ngày dài đi bộ, ba người đến Y-cô-ni. Ti-mô-thê bắt đầu quan sát cách Phao-lô và Si-la truyền đạt những chỉ thị mới nhất từ hội đồng lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem và xây dựng đức tin của các tín đồ ở Y-cô-ni (Công vụ 16:4, 5). Nhưng đó chỉ mới là khởi đầu.
Sau khi ghé thăm các hội thánh ở Ga-la-ti, các giáo sĩ rời khỏi những con đường lát đá rộng rãi của La Mã và đi bộ hàng trăm dặm băng ngang qua bình nguyên Phy-gi-a rộng lớn, hướng về phía bắc và sau đó về phía tây. Là những người luôn đi theo sự hướng dẫn của thần khí Đức Chúa Trời, họ đến được Trô-ách, lên một con tàu và giong buồm đến Ma-xê-đô-ni-a (Công vụ 16:6-12). Đến lúc đó, Phao-lô đã thấy Ti-mô-thê hữu ích như thế nào. Ông tin cậy Ti-mô-thê và để chàng ở lại Bê-rê cùng với Si-la (Công vụ 17:14). Ông thậm chí còn cử một mình chàng đến Tê-sa-lô-ni-ca, tại đây Ti-mô-thê làm theo những gương mẫu mà chàng đã chăm chú quan sát và củng cố những tín đồ trung thành ở đó.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:1-3.
Phi-líp 2:20). Danh tiếng đó không phải tự nhiên mà có. Ti-mô-thê đã tạo được một danh tiếng như thế nhờ làm việc chăm chỉ, khiêm nhường phục vụ và trung thành chịu đựng những thử thách khó khăn. Thật là gương mẫu đáng chú ý cho những người trẻ ngày nay! Đừng bao giờ quên rằng danh tiếng của bạn tùy thuộc chủ yếu vào chính bạn. Nếu còn trẻ, bạn có cơ hội tuyệt vời để tạo cho mình một danh tiếng tốt bằng cách đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống cũng như đối xử tôn trọng và nhân từ với người khác.
Sau này Phao-lô viết về Ti-mô-thê: “Tôi không có ai có tâm tính giống như anh ấy, người sẽ thật lòng chăm lo cho anh em” (“HÃY CỐ GẮNG ĐẾN VỚI TA”
Trong khoảng 14 năm, Ti-mô-thê đã dành nhiều thời gian làm việc với sứ đồ Phao-lô, người bạn của chàng. Ti-mô-thê đã đồng cam cộng khổ cùng Phao-lô, chịu nhiều hiểm nguy trong công việc, cũng như chia sẻ nhiều niềm vui (2 Cô-rinh-tô 11:24-27). Có lần Ti-mô-thê thậm chí còn bị bỏ tù vì đức tin (Hê-bơ-rơ 13:23). Như Phao-lô, chàng cũng hết lòng yêu thương và quan tâm đến các anh chị em đồng đạo. Vì vậy, Phao-lô đã viết rằng ông ‘nhớ đến nước mắt của Ti-mô-thê’ (2 Ti-mô-thê 1:4). Cũng như Phao-lô, dường như Ti-mô-thê đã học được cách “khóc với người đang khóc” và đồng cảm với họ, nhờ đó chàng có thể khích lệ và an ủi họ nhiều hơn (Rô-ma 12:15). Mong sao mỗi chúng ta cũng học được cách làm như thế!
Không có gì ngạc nhiên khi theo thời gian, Ti-mô-thê đã trở thành một giám thị xuất sắc của đạo Đấng Ki-tô. Phao-lô đã giao phó cho chàng trách nhiệm không chỉ đến thăm các hội thánh để củng cố và khích lệ họ, mà còn bổ nhiệm những người nam hội đủ điều kiện để phụng sự với tư cách trưởng lão và phụ tá hội thánh.—1 Ti-mô-thê 5:22.
Phao-lô vô cùng yêu mến Ti-mô-thê và cho chàng trai trẻ nhiều lời khuyên hữu ích như một người cha đối với con. Ông khuyến giục Ti-mô-thê phát huy các món quà của Đức Chúa Trời ban và tiếp tục tiến bộ (1 Ti-mô-thê 4:15, 16). Ông khuyên Ti-mô-thê đừng bao giờ để cho tuổi trẻ, và có lẽ một chút thiếu tự tin, khiến chàng chùn bước vào những lúc cần phải giữ lập trường kiên định để bảo vệ điều đúng (1 Ti-mô-thê 1:3; 4:6, 7, 11, 12). Phao-lô thậm chí còn cho chàng lời khuyên về cách đối phó với việc hay đau ốm, có lẽ là chứng đau dạ dày.—1 Ti-mô-thê 5:23.
Đã đến thời điểm Phao-lô biết rằng mình sắp chết, dường như án tử hình nằm ngay trước mắt ông. Phao-lô gửi một lá thư được soi dẫn cuối cùng, trong thư chứa những lời cảm động: “Hãy cố gắng đến với ta cho sớm” (2 Ti-mô-thê 4:9). Phao-lô rất đỗi yêu quý Ti-mô-thê; ông gọi chàng là “con yêu dấu và trung thành của tôi trong Chúa” (1 Cô-rinh-tô 4:17). Không ngạc nhiên gì khi ông muốn được ở bên cạnh người bạn của mình trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời! Mỗi chúng ta nên tự hỏi: “Người khác có tìm đến mình để được an ủi khi gặp khó khăn không?”.
Ti-mô-thê có đến kịp để gặp Phao-lô không? Chúng ta không biết. Nhưng chúng ta biết rằng chàng luôn cố gắng để mang đến cho Phao-lô cũng như những người khác sự an ủi và khích lệ. Chàng đã sống đúng với ý nghĩa của cái tên Ti-mô-thê: “Người làm vinh hiển Đức Chúa Trời”. Gương mẫu xuất sắc về đức tin của Ti-mô-thê thật xứng đáng để tất cả chúng ta, dù già hay trẻ, cố gắng noi theo.
^ đ. 9 Xem mục “Bạn có biết?” trong số này.
^ đ. 20 Ti-mô-thê thậm chí còn sẵn sàng chịu phép cắt bì theo yêu cầu của Phao-lô, không phải bởi vì đó là một đòi hỏi cho các tín đồ đạo Đấng Ki-tô nhưng vì Phao-lô không muốn khiến cho những người Do Thái mà họ sẽ rao giảng có bất kỳ cớ nào để phản đối sự có mặt của chàng trai này, vì cha của chàng là một người ngoại.—Công vụ 16:3.